Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự: Hội nhập có từ lâu, ngay cả với Việt Nam. Nó diễn ra dưới rất nhiều hình thức và tên gọi khác nhau. Ngay từ năm 1946, trong lời kêu gọi gửi Liên Hợp quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Nước Việt Nam dành sự thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế. Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp quốc…”

Bốn giai đoạn của hội nhập

Thế nhưng, do hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh biên giới nên mãi đến tháng 3/1990, chúng ta mới tổ chức hội nghị toàn quốc giới thiệu Luật Đầu tư nước ngoài để mở cửa và hội nhập kinh tế với thế giới. Đây là thời kỳ đầu của ba mươi năm đổi mới hội nhập và phát triển.

Năm 1995 chúng ta bước sang giai đoạn thứ hai là bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, gia nhập ASEAN, tham gia diễn đàn ASEM, APEC.

Giai đoạn thứ ba là đàm phán gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Tổ chức này chiếm 90% thương mại dịch vụ, 85% thương mại hàng hóa toàn cầu. Chúng ta phải sửa 30 luật và pháp lệnh để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ký hiệp định song phương gia nhập WTO với Hoa Kỳ thì Quốc hội Hoa Kỳ mới bỏ luật Jackson Venick cấm vận thương mại và trao quyền thương mại thông thường vĩnh viễn cho ta.

Cũng thời kỳ này chúng ta tham gia đàm phán cộng đồng kinh tế ASEAN. Đàm phán kết thúc năm 2006, tới năm 2007, hội nghị thượng đỉnh ASEAN thông qua và các nước tiến hành quá trình phê chuẩn tới tháng 12/2015. Ngày 31/12/2015 cộng đồng ASEAN chính thức đi vào hoạt động. Đây là Hiệp định đa phương đầu tiên mở rộng hợp tác sang lĩnh vực an ninh và quốc phòng, thực hiện tư tưởng trong lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Liên Hợp quốc năm 1946.

Giai đoạn thứ tư của hội nhập, chúng ta ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do Á Âu, Hiệp định thương mại tự do với 28 nước EU và Hiệp định TPP với 12 nước. Đây là các hiệp định tự do song phương và khu vực, nhưng là hiệp định tự do thế hệ mới, có 10 cam kết cao so với các cam kết WTO. Việt Nam trở thành quốc gia dân số trên 93 triệu người có mức độ mở cửa thị trường và tự do hóa tương đương như Singapore.

Sự lựa chọn sáng suốt

Sự lựa chọn tham gia vào các khối nước công nghiệp phát triển là sự lựa chọn đúng. Chúng ta cần thị trường rộng lớn, có công nghệ tiên tiến và phương thức quản lý hiện đại.

Thế giới đến nay vẫn tồn tại mối quan hệ nước lớn và nước nhỏ theo hai cách hành xử khác nhau. Một cách, nước lớn muốn nước bé giàu lên để đi theo mình và cách thứ hai muốn nghèo đi để lệ thuộc vào mình. Với cách thứ hai, họ chuyển giao công nghệ cũ, hàng hóa chất lượng kém, cách quản lý lạc hậu, kéo lùi sự phát triển của nền kinh tế thêm cả hàng chục năm.

Kinh nghiệm lịch sử thế giới cho thấy, Phần Lan đã thoát khỏi sự phụ thuộc vào công nghệ lạc hậu của Nga lúc đó. Khi thoát ra khỏi nước Nga, họ phải thay đổi công nghệ để sản xuất ra hàng hóa có chất lượng cao hơn và có khả năng cạnh tranh để bán vào thị trường này. Hungary thì ngược lại, khi vào EU bỏ luôn thị trường Nga là thị trường tiêu thụ hàng nông sản và hàng tiêu dùng của Hungary. Nên một thời kỳ kinh tế, nhất là nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng của Hungary lao đao.

Ký được hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với 55 nước sẽ tạo cơ hội để thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế. Song đó chỉ là cơ hội. Kinh nghiệm của những giai đoạn hội nhập trước đây cho thấy, nắm bắt được cơ hội này hay không phụ thuộc vào quyết tâm chính trị cao của Đảng và Chính phủ, phụ thuộc vào sự chủ động, sáng tạo của các doanh nghiệp và người dân.

Sáu điểm cần lưu ý

Điều đầu tiên là phải tuyên truyền thường xuyên và rộng rãi để người dân và doanh nghiệp hiểu được đâu là cơ hội, đâu là thách thức.

Thứ hai là nâng cao năng lực cạnh tranh của ba cấp, gồm năng lực cạnh tranh của Chính phủ, của doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa của Việt Nam.

Chính phủ cần chuyển từ điều hành trực tiếp sang gián tiếp; nhanh chóng xây dựng và thực thi có hiệu quả Chính phủ điện tử, hải quan  điện tử, giảm thời gian và phiền hà cho dân và doanh nghiệp để họ tập trung thời gian và trí tuệ vào sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp cần xây dựng lại chiến lược sản xuất kinh doanh của mình, xây dựng sản phẩm với mục tiêu toàn cầu, đổi mới công nghệ tiên tiến tạo ra sản phẩm có năng lực cạnh tranh. Đa số doanh nghiệp của ta là nhỏ và vừa, nên cần liên kết chuỗi với nhau để tăng sức mạnh vốn, công nghệ và khả năng quản lý. Đây là công việc không dễ trong một nền kinh tế chưa thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, tư tưởng làng xã còn là rào cản trong suy nghĩ và hành động của một bộ phận xã hội.

Đối với người lao động, cần đào tạo tay nghề, đào tạo lại cho phù hợp với yêu cầu sản xuất và thị trường mới. Hàng vạn sinh viên học xong chưa có việc làm cần tập trung thời gian học ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn và các ngoại ngữ thị trường có nhu cầu để kiếm thêm việc làm mới ổn định đời sống.

Thứ ba là đổi mới toàn diện ngành nông nghiệp, liên kết cây con, vùng nguyên liệu và đẩy mạnh chế biến nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất sản phẩm an toàn theo yêu cầu của thị trường thế giới, không quá lệ thuộc vào thị trường thấp cấp của các nước láng giềng. Có như vậy mới hạn chế được ép giá, ép cấp, khiến nhiều khi chúng ta phải chịu thua thiệt như những năm qua.

Thứ tư là bảo đảm tự do lưu chuyển song phải gác cổng công nghệ bẩn và lạc hậu tràn vào làm cho ngành công nghiệp bị thụt lùi, gác cổng môi trường và an toàn thực phẩm. Đổi mới và xây dựng các biện pháp bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ thị trường phù hợp với các cam kết quốc tế mới và cách làm mới của thế giới.

Thứ năm là đẩy mạnh hợp tác kinh tế đi đôi với an ninh và quốc phòng, tạo môi trường hòa bình ổn định cho phát triển kinh tế lâu dài, gắn lợi ích kinh tế với an ninh và quốc phòng của nhau.

Cuối cùng là nâng cao năng lực của các tổ chức xã hội, công đoàn, hiệp hội ngành hàng. Công đoàn cần đi sát chủ động giải quyết mâu thuẫn lợi ích giữa giới chủ và người lao động, có như vậy năng suất lao động của xã hội mới tăng và giữ chân nhà đầu tư lâu dài. Chăm lo an sinh xã hội để phát triển bền vững.

Lương Văn Tự

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại

Nguồn: chinhphu.vn

Nguồn: chinhphu.vn