Theo thông tin từ Bộ Công Thương, ngày 24/7 vừa qua, tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ Công Thương, Ủy ban Dân tộc phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả thông tin thị trường vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới trong hội nhập”.

Nhận xét về tình hình thông tin thị trường của vùng miền núi, hải đảo và biên giới, ông Hoàng Xuân Lương – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng mặc dù trong những năm qua, kinh tế - xã hội của đồng bào đã có sự phát triển đáng khích lệ song cơ chế để tạo ra sự phát triển vẫn còn nhiều chống chéo, nhiều lỗ hổng và thiếu đồng bộ.

Tại Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh đã lựa chọn và thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”.  

Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất, phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm đặc sản địa phương từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ra thị trường.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện có nhiều khó khăn, vướng mắc do thông tin về thị trường cho bà con dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.

Sau khi nghe các đại biểu báo cáo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương luôn xác định vai trò của thông tin, truyền thông là kênh thông tin chủ đạo trong công tác tìm thị trường tiêu thụ cho các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản.

Tuy nhiên, mảng thông tin thị trường phục vụ đồng bào khu vực dân tộc, miền núi và biên giới trong giai đoạn hội nhập vẫn chưa được đặt đúng với tầm quan trọng của nó.

Vì vậy, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, cần nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin thị trường để bà con đồng bào và chính quyền cơ sở các cấp hiểu rõ những vấn đề của hội nhập kinh tế quốc tế một cách giản dị, gắn với phát triển kinh tế, thương mại, xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc, miền núi, biên giới.

Thứ trưởng cũng kiến nghị, Ủy ban Dân tộc tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành chính sách chuyên biệt ưu đãi về việc cung cấp thông tin thị trường, hội nhập, xúc tiến thương mại bằng tiếng dân tộc. 

Ngoài ra, cần nghiêm túc đào tạo cán bộ, đặc biệt là trang bị tiếng dân tộc, địa phương.

                                                                                                         Kiều Linh