Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt Đề án quản lý nhập khẩu đến năm 2020 nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế và hội nhập với kinh tế thế giới.

Theo đó, định hướng chung của đề án vẫn sẽ duy trì, tận dụng các biện pháp thuế quan và phi thuế quan được phép áp dụng theo các cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tại các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.

Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng các biện pháp phi thuế quan, các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), kiểm dịch động thực vật (SPS) và các biện pháp phòng vệ thương mại.

Đề án định hướng xây dựng Luật Quản lý ngoại thương nhằm đảm bảo tính ổn định, thống nhất về mặt chính sách cũng như các quy định có tính thực tiễn, khả thi để tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Tạo dựng và áp dụng các biện pháp quản lý nhập khẩu một cách đồng bộ và hiệu quả, chú trọng công tác thông tin cũng như theo dõi, đánh giá hiệu quả các biện pháp áp dụng.

Đồng thời thường xuyên rà soát, xem xét, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định, thủ tục hành chính không cần thiết để vừa bảo đảm mục tiêu quản lý là đảm bảo an ninh quốc gia, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân và các mục tiêu công cộng khác, vừa đảm bảo cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Quyết định nêu rõ các biện pháp cụ thể thực hiện đề án gồm: Biện pháp thuế quan; biện pháp hạn ngạch thuế quan; biện pháp cấm nhập khẩu; biện pháp hạn ngạch nhập khẩu; biện pháp giấy phép nhập khẩu; biện pháp kỹ thuật, chuyên ngành; biện pháp phòng vệ thương mại; biện pháp về xuất xứ hàng hóa; biện pháp tỷ giá hối đoái; các biện pháp quản lý nhập khẩu khác.

Trong đó, về biện pháp thuế quan, sử dụng hiệu quả công cụ thuế nhập khẩu và các loại thuế khác nhằm hỗ trợ ở mức độ phù hợp cho sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước theo đúng cam kết.

Với những hàng hoá trong nước có thể sản xuất được, xem xét duy trì mức trần thuế nhập khẩu theo cam kết trong WTO và có lộ trình xóa bỏ thuế phù hợp cho hàng hóa có xuất xứ từ các nước có Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Đối với biện pháp hạn ngạch thuế quan, nghiên cứu và đàm phán với các đối tác trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương để có lộ trình quản lý nhập khẩu bằng phương thức hạn ngạch thuế quan đối với những mặt hàng cần bảo hộ sản xuất trong nước một cách hợp lý, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế về kinh tế.

Nguồn: VnEconomy