HÀNG HÓA NÀO ĐƯỢC COI LÀ CÓ XUẤT XỨ TPP?

Mỗi FTA có quy định riêng về quy tắc xuất xứ, áp dụng cho hàng hóa muốn tận dụng ưu đãi thuế quan theo FTA đó.

Theo TPP thì một sản phẩm hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ TPP nếu thuộc một trong ba trường hợp sau đây:

Trường hợp 1: Có xuất xứ thuần túy

Hàng hóa có xuất xứ thuần túy là hàng hóa được trồng, thu hoạch hoặc đánh bắt ở trong khu vực TPP. Ví dụ cây trồng, động vật sống, khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên ở các nước TPP.

Trường hợp 2: Hàng hóa được sản xuất toàn bộ trong khu vực TPP và chỉ từ các nguyên liệu có xuất xứ từ TPP

Ví dụ, sản phẩm bánh ngọt được sản xuất tại Việt Nam từ các nguyên liệu chocolate có xuất xứ Hoa Kỳ, đường Úc và sữa New Zealand (Việt Nam, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand đều là thành viên TPP) thì được coi là có xuất xứ TPP dạng này.

Trường hợp 3: Hàng hóa được sản xuất tại TPP, sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ TPP nhưng đáp ứng được các quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng quy định trong Phụ lục 3-D của Chương 3.

Đây là trường hợp phổ biến nhất (trong bối cảnh sản xuất thường là theo chuỗi, với các nguyên liệu từ các công đoạn diễn ra ở nhiều nước trên thế giới). Tuy nhiên, đây cũng là nhóm quy tắc xuất xứ phức tạp nhất, và có khác biệt nhiều nhất giữa TPP và các FTA mà Việt Nam đã từng ký kết trước đây.

TPP quy định 03 phương pháp xác định xuất xứ cho trường hợp này, bao gồm:

Quy tắc chuyển đổi mã hàng hóa (Tariff Shift);

Quy tắc hàm lượng giá trị nội khối (Regional Value Content);

Quy tắc công đoạn sản xuất (Production Process).

Với mỗi loại hàng hóa, quy tắc xuất xứ áp dụng cho từng trường hợp có thể là một, một số trong ba loại trên, và/hoặc kết hợp hai, ba loại trên.

Chú ý là mặc dù mỗi nước TPP đưa ra một Biểu cam kết thuế quan riêng, hệ thống quy tắc xuất xứ trong TPP là thống nhất, ap dụng chung cho toàn bộ TPP.

Doanh nghiệp cần lưu ý:

Mỗi nước TPP có thể có mức thuế ưu đãi khác nhau cho một sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam nhưng yêu cầu về quy tắc xuất xứ là giống nhau và áp dụng chung. Do đó, một sản phẩm xuất khẩu đáp ứng được quy tắc xuất xứ của TPP thì xuất khẩu sang bất kỳ một thị trường TPP nào cũng được hưởng ưu đãi thuế quan.

Để tận dụng ưu đãi thuế quan trong TPP, doanh nghiệp cần tìm hiểu chính xác quy tắc xuất xứ áp dụng cho nhóm hàng hóa của mình. Các quy tắc này quy định tại Phụ lục 3-D Product Specific Rules của Chương 3 TPP. Riêng đối với sản phẩm ô tô thì quy định tại Phụ lục 3-D Automotive của Chương 3 TPP.

THỦ TỤC CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ TRONG TPP CÓ GÌ ĐẶC BIỆT?

Về thủ tục chứng nhận xuất xứ, TPP yêu cầu áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, trong đó đối tượng được tự chứng nhận xuất xứ bao gồm cả người nhập khẩu, người xuất khẩu và người sản xuất.

Đây là một cơ chế chứng nhận xuất xứ rất mới đối với Việt Nam bởi hiện tại các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải xin chứng nhận xuất xứ tại một cơ quan có thẩm quyền do Nhà nước chỉ định (Bộ Công thương hoặc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), và Việt Nam mới chỉ đang bắt đầu đưa vào thí điểm một số trường hợp tự chứng nhận xuất xứ trong Asean.

Cơ chế này cũng khác so với cơ chế tự chứng nhận xuất xứ phổ biến ở Hoa Kỳ là chỉ người nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ, hay cơ chế tự chứng nhận xuất xứ theo EU là người xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ.

Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ của TPP (cho phép cả ba đối tượng người nhập khẩu, người xuất khẩu hoặc người sản xuất được tự chứng nhận xuất xứ) được đánh giá là một cơ chế linh hoạt và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu.

Tuy nhiên, TPP không bắt buộc Việt Nam phải áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, cụ thể:

Đối với hàng nhập khẩu, Việt Nam (và Brunei, Malaysia, Mexico, Peru) được phép bảo lưu chưa áp dụng hình thức nhà nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Đối với hàng xuất khẩu, các nước (trong đó có Việt Nam) có thể áp dụng song song hai hình thức cấp giấy chứng nhận xuất xứ dưới đây trong 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực (và có thể gia hạn thêm 5 năm nữa):

Một cơ quan có thẩm quyền cấp (tức là vẫn như quy định cấp chứng nhận xuất xứ hiện tại của Việt Nam) hoặc

Một nhà xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ.

TPP có quy định khá chi tiết về các thủ tục, điều kiện ràng buộc về thời hạn, về cách thức mà các nước phải tuân thủ khi quy định về thủ tục chứng nhận xuất xứ theo từng trường hợp có thể.

Đáng chú ý là các quy định về việc điều tra xác minh thông tin xuất xứ, về việc lưu giữ chứng từ chứng minh, về bảo mật… từ góc độ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Doanh nghiệp cần lưu ý:

Thủ tục chứng nhận xuất xứ theo TPP không chỉ mới về hình thức chứng nhận (doanh nghiệp “tự chứng nhận” thay vì cơ quan Nhà nước cấp chứng nhận) mà còn mới về chủ thể chứng nhận (cả nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu, nhà sản xuất đều có quyền tự chứng nhận). Do đó việc thực thi sẽ rất khác so với cơ chế duy nhất về chứng nhận xuất xứ bởi cơ quan có thẩm quyền mà các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam trước nay từng biết. Vì vậy, doanh nghiệp ngoài việc cần tìm hiểu về cơ chế này để áp dụng, còn cần chủ động có ý kiến với các cơ quan Nhà nước liên quan để thiết lập, vận hành, điều chỉnh cơ chế mới theo hướng thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, mặc dù phía Việt Nam chưa phải thực hiện ngay thủ tục chứng nhận xuất xứ mới này, một số nước nhập khẩu có thể đã/sẽ áp dụng thủ tục này ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Do đó nếu đối tác nhập khẩu muốn tự chứng nhận xuất xứ, doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý cẩn trọng khi cung cấp các thông tin về nguồn, giá cả, cách thức mua bán nguyên phụ liệu… để có thể vừa giữ quan hệ làm ăn với đối tác vừa không đánh mất bí mật kinh doanh.

Nguồn: itpc.hochiminhcity.gov.vn