Cụ thể, theo Quyết định số 3328/QĐ-BNN-QLCL do ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NNPTNT ký ngày 15-8-2016, kể từ ngày 15-8-2016, Bộ NNPTNT  áp dụng biện pháp tạm dừng cấp chứng thư cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU được sản xuất tại cơ sở có lô hàng bị cơ quan thẩm quyền EU cảnh báo trước đó về các chỉ tiêu hóa chất kháng sinh cấm.

Việc cấp chứng thư chỉ được phục hồi khi các cơ sở bị cảnh báo hoàn thành điều tra nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo, thiết lập và thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp và được Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ NNPTNT thẩm tra đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, để việc thẩm tra có thể đạt yêu cầu, Bộ NNPTNT đã yều cầu doanh nghiệp vi phạm phải thực hiện bước điều tra nguyên nhân và thiết lập biện pháp khắc phục; tạm ngưng đăng ký cấp chứng thư cho đến khi có thông báo của Nafiqad; chấp hành việc lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu vị phạm đối với từng lô hàng xuất khẩu theo quy định hiện hành.

Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, vào ngày 2-8-2016 vừa qua, Tổng vụ sức khỏe và an toàn thực phẩm thuộc Ủy ban châu Âu (EC) đã có công thư số Ares (2016) 4050152 gửi Nafiqad thông báo về việc đưa một doanh nghiệp (tên doanh nghiệp không được công bố) chế biến thủy sản của Việt Nam ra khỏi danh sách các cơ sở được phép xuất khẩu vào EU do phát hiện lô hàng của doanh nghiệp này có hóa chất kháng sinh cấm.

Trước đó vào khoảng cuối tháng 4-2016, Tổng vụ sức khỏe và an toàn thực phẩm thuộc EC cũng đã lên tiếng cảnh báo một số lô hàng thủy sản của bốn doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào EU không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo đó, bốn doanh nghiệp Việt Nam đã bị EU cảnh báo, gồm Xí nghiệp thực phẩm Mekong Delta thuộc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ bị Đức cảnh báo sản phẩm cá tra đông lạnh do chất lượng cảm quan sản phẩm không đạt yêu cầu (có mùi amoniac trong sản phẩm) và có chất Sodium carbonates (E 500) không được phép sử dụng; Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản Miền Nam bị Tây Ban Nha cảnh báo chất Sodium Erythorbate (E 316)  không được phép sử dụng với sản phẩm bị cảnh báo là cá tra đông lạnh; Công ty cổ phần Foodtech bị Đức cảnh báo sản phẩm cá ngừ đóng hộp đối với chất histamine và Nhà máy chế biến thủy sản của Công ty cổ phần Khang Thông thì bị Hà Lan cảnh báo sản phẩm cá cờ kiếm đối với chất thủy ngân.

Trước đó, vào ngày 30-5-2016, Nafiqad cũng đã có văn bản số 1041/QLCL-CL1 thông báo về việc Tổng vụ sức khỏe và an toàn thực phẩm thuộc EC sẽ đưa ra khỏi danh sách các cơ sở được phép xuất khẩu thủy sản vào EU, nếu doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam có lô hàng xuất khẩu vào thị trường này bị cảnh báo hóa chất kháng sinh cấm.

Như vậy, với việc Bộ NNPTNT ra quyết định dừng cấp chứng thư như đã nêu ở trên được xem là biện pháp nhằm giúp doanh nghiệp bị cảnh báo khắc phục và tránh ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường này.

Nguồn: thesaigontimes.vn