1. Từ 2019, ngân hàng sẽ được đánh giá xếp hạng theo 6 tiêu chí
Đây là nội dung quan trọng tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN về xếp hạng tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, hệ thống tiêu chí được sử dụng để xếp hạng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gồm:
- Vốn (C);
- Chất lượng tài sản (A);
- Quản trị điều hành (M);
- Kết quả hoạt động kinh doanh (E);
- Khả năng thanh toán (L);
- Mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường (S).
Quy định mới đã bổ sung thêm tiêu chí (S) vào hệ thống tiêu chí xếp hạng và đã mở rộng đối tượng xếp hạng thay vì chỉ xếp hạng đối với ngân hàng thương mại cổ phần như hiện hành.
Việc xếp hạng này không áp dụng đối với các trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 52.
Căn cứ vào mức điểm xếp hạng đạt được, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xếp vào một trong các hạng sau: Tốt (A), Khá (B), Trung bình (C), Yếu (D) hoặc Yếu kém (E).
Thông tư 52 bắt đầu áp dụng để xếp hạng từ năm 2019 và bãi bỏ Quyết định 06/2008/QĐ-NHNN ngày 12/3/2008.

Xem chi tiết TT52tt52-nhnn_VLLJ.PDF

2. Sửa đổi quy định về quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua KBNN
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 136/2018/TT-BTC sửa đổi Thông tư 13/2017/TT-BTC về quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước. Theo đó:
Đơn vị sử dụng NSNN giao dịch với đơn vị KBNN mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại (NHTM) có nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên trong một lần giao dịch thì:
Thực hiện rút tiền mặt tại NHTM nơi đơn vị KBNN mở tài khoản theo quy định, trừ trường hợp:
- Đơn vị có khoản nộp KBNN và khoản chi bằng tiền mặt trong cùng một lần giao dịch; đảm bảo sau khi bù trừ, số chi thực tế bằng tiền mặt tại KBNN có giá trị không quá 100.000.000 đồng.
- Đơn vị KBNN trực tiếp chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho người dân theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
(Quy định hiện hành tại Thông tư 13 thì giá trị thanh toán từ 01 tỷ đồng trở lên mới được rút tiền mặt tại NHTM nơi KBNN cấp huyện mở tài khoản).
Ngoài ra, Thông tư 136 còn sửa đổi, bổ sung một số quy định về đăng ký rút tiền mặt, quản lý tiền mặt tại các đơn vị KBNN.

Xem chi tiết TT136-2018-BTC tt136-2018-btc_RSZI.pdf

3. Một số nội dung được sửa đổi tại Danh mục hàng hóa XNK
Thông tư 09/2019/TT-BTC sửa đổi một số nội dung tại các Phụ lục của Thông tư 65/2017/TT-BTC về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
Theo đó, sửa đổi nội dung tại Phụ lục I về Danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu Việt Nam, đơn cử như:
- Tại nhóm 15.18: cụm từ “sulphat hoá” được thay đổi thành “sulphua hóa”.
- Tại nhóm 44.01: cụm từ “mùn cưa và phế liệu gỗ” được thay đổi thành “mùn cưa, phế liệu và mảnh vụn gỗ”.
- Tại nhóm 55.16: cụm từ “sợi filament tái tạo” được thay đổi thành “sợi filament nhân tạo”.
- Tại nhóm 84.26: cụm từ “khung thang nâng di động” được thay đổi thành “khung nâng di động”.
- Tại mã hàng 9018.39.10: cụm từ “Ống thông đường tiểu” được thay đổi thành “Ống thông”.
Ngoài ra, còn có những sửa đổi tại Phụ lục II về 06 quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa tại Thông tư 65/2017.

Xem chi tiết TT09-2019-BTC tt09-2019-btc_CSTQ.pdf

4. Thông tư 02/2019/TT-BGTVT công bố vùng nước cảng biển thuộc địa phận thành phố Đà Nẵng và khu vực quản lý của Cảng vụ hàng hải Đà Nẵng.

Xem chi tiết TT02-2019-BGTVT tt02-2019-bgtvt_AMYQ.pdf

5. Thông tư 06/2019/TT-BGTVT về tiêu chí giám sát, nghiệm thu kết quả bảo trì theo chất lượng thực hiện và chế độ, quy trình bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Xem chi tiết TT06-2019-BGTVT tt06-2019-bgtvt_DCJS.pdf

6. Thông tư 07/2019/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 52/2017/TT-BGTVT về bảo trì công trình hàng hải.

Xem chi tiết TT07-2019-BGTVT tt07-2019-bgtvt_EQUL.pdf

7. Thông tư 05/2019/TT-BTC hướng dẫn kế toán áp dụng cho tổ chức tài chính vi mô.

Xem chi tiết TT05-2019-BTC tt05-2019-btc_CVRB.pdf 

8. Thông tư 11/2018/TT-BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chợ đầu mối, chợ đấu giá nông lâm thủy sản - Yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm.

Xem chi tiết TT11-2018-BNNPTNT  tt11-2018-bnnptnt_NCHF.pdf

9. Nghị định 05/2019/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm toán nội bộ sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/04/2019, trong đó quy định 03 trường hợp doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm toán nội bộ, gồm:

- Công ty niêm yết;

- Doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con;

- Doanh nghiệp Nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Chính phủ cũng khuyến khích các doanh nghiệp khác thực hiện công tác kiểm toán nội bộ thông qua việc đi thuê tổ chức kiểm toán độc lập.

Xem chi tiết NĐ05-2019-CP nd05-2019-cp_VBAA.pdf

10. Nghị định 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ yêu cầu thỏa thuận về dây họ bắt buộc phải được lập thành văn bản, thay vì có thể được thỏa thuận bằng lời nói như trước kia.

Trong văn bản thỏa thuận về dây họ phải có các nội dung chủ yếu sau: Thông tin cá nhân của chủ họ và các thành viên (họ tên, số CMND, ngày tháng năm sinh và nơi cư trú); Số lượng thành viên; Phần họ; Thời gian diễn ra dây họ, kỳ mở họ; Thể thức góp họ, lĩnh họ…

Cũng theo Nghị định này, lãi suất khi chơi họ có lãi không được vượt quá 20%/năm.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 05/04/2019.

Xem chi tiết NĐ19-2019-CP nd19-2019-cp_UJJC.pdf

11. Tăng gấp 3 lần lệ phí trước bạ với xe bán tải, từ 10/4/2019

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 20/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi Nghị định 140/2016/NĐ-CP, có hiệu lực từ 10/04/2019.

Cụ thể, từ thời điểm này, ô tô vừa chở người, vừa chở hàng có khối lượng chuyên chở cho phép nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống, ôtô tải VAN có khối lượng chuyên chở cho phép hơn 1.500 kg nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 60% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống.

Hiện nay, lệ phí trước bạ với xe chở người từ 9 chỗ trở xuống hiện nay là từ 10 - 15%, tùy từng địa phương. Với mức thu lệ phí trước bạ bằng 60% mức thu của xe 9 chỗ trở xuống, thì lệ phí trước bạ với xe bán tải tới đây sẽ khoảng 6 - 9%, tăng gấp 3 lần so với mức 2% hiện nay.

Xem chi tiết ND20/CP nd20-2019-cp_VPSN.pdf

12. Theo Nghị định 23/2019/NĐ-CP của Chính phủ, có 02 trường hợp tổ chức triển lãm phải xin phép, gồm:

- Triển lãm do tổ chức, cá nhân tại Việt Nam đưa ra nước ngoài.

- Triển lãm do tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài tổ chức tại Việt Nam.

Nghị định cũng yêu cầu, các tác phẩm, hiện vật, tài liệu tham gia triển lãm… không thuộc trường hợp bị đình chỉ lưu hành, cấm lưu hành, thu hồi, tịch thu.

Tác phẩm, hiện vật, tài liệu được triển lãm phải phù hợp với chủ đề, nội dung của triển lãm; có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp.

Nghị định 23/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/04/2019.

Xem chi tiết ND23/CP nd23-2019-cp_LJTF.pdf

Nguồn:VTIC tổng hợp