1. Lãi nợ gốc quá hạn không quá 150% lãi cho vay trong hạn

Thông tư 18/2016/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 21/2012/TT-NHNN về hoạt động cho, đi vay; mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHNN) sẽ có hiệu lực từ ngày 22/8/2016.

Theo đó, có những thay đổi đáng chú ý như sau:

- Đối với hoạt động cho vay, đi vay:

+ Lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc quá hạn do các TCTD, chi nhánh NHNN thỏa thuận trong hợp đồng cho vay nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn;

+ Lãi suất áp dụng đối với số tiền lãi vay chậm trả do các TCTD, chi nhánh NHNN thỏa thuận trong hợp đồng cho vay nhưng không vượt quá 10%/năm.

- Đối với hoạt động mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá thì giá mua lại được tính theo công thức:

Giá mua lại = Giá mua x (1 + Lãi suất mua x Thời hạn mua, bán/ Số ngày thực tế của năm thực hiện giao dịch mua).

2. Quy định mới về phí môi giới tiền tệ

Ngày 30/6/2016, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 17/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động môi giới tiền tệ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHNN).

Theo đó, Phí môi giới tiền tệ sẽ do bên môi giới và khách hàng thỏa thuận mà không bị giới hạn mức phí tối đa như quy định hiện hành (0,02%/trị giá của từng món giao dịch).

Ngoài ra, khi thực hiện hoạt động môi giới tiền tệ thì các ngân hàng cũng cần chú ý những nguyên tắc sau:

- Có ít nhất một bên khách hàng được môi giới tiền tệ là tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh NHNN thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng.

- Không cung cấp thông tin liên quan đến khách hàng và giao dịch được môi giới tiền tệ cho bên thứ ba, trừ khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

- Ngân hàng thương mại, chi nhánh NHNN không được đồng thời vừa là bên môi giới, vừa là một bên thực hiện giao dịch được môi giới tiền tệ với khách hàng.

Thông tư 17/2016/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 22/8/2016 và thay thế Quyết định số 351/2004/QĐ-NHNN .

3. Nguyên tắc quản lý, thu mua than trôi

Từ ngày 25/8/2016, Thông tư 13/2016/TT-BCT quy định về quản lý than trôi sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành. Theo đó:

- Than trôi ngoài phần dành để đáp ứng nhu cầu sử dụng trực tiếp của người thu gom (nếu có), chỉ được phép tiêu thụ theo hình thức bán trực tiếp cho đơn vị thu mua.

- Đơn vị thu mua than trôi là các đơn vị trực thuộc, công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc có đủ điều kiện, năng lực và được giao nhiệm vụ thu mua.

- Công việc thu mua của TKV và Tổng công ty Đông Bắc là hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, chủ yếu nhằm giảm tổn thất tài nguyên than, góp phần ngăn chặn tình trạng kinh doanh than trái phép.

Thông tư số 13/2016/TT-BCT thay thế Quyết định số 29/2008/QĐ-BCT .

4. Bổ sung Danh mục thiết bị dạy nghề trọng điểm cấp quốc gia

Thông tư số 10/2016/TT-BLĐTBXH bổ sung danh mục thiết bị dạy nghề trọng điểm cấp độ quốc gia trình độ trung cấp nghề, trình độ cao đẳng nghề cho một số nghề có hiệu lực từ ngày 30/8/2016.

Theo đó, một số ngành, nghề trọng điểm cấp độ quốc gia được bổ sung vào Danh mục thiết bị dạy nghề như:

+ Quản trị khách sạn, Bảo vệ thực vật;

+ Lập trình máy tính, Kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò; 

+ Công nghệ sinh học, Cơ điện tử…

Nguồn: thuvienphapluat.vn