Theo Nghị định 156/2017/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại Hàng hóa ASEAN (gọi tắt là ATIGA) giai đoạn 2018 - 2022, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 và đối chiếu mặt hàng đường có mã hàng 1701 vẫn chiụ mức thuế nhập khẩu 5% ổn định trong suốt giai đoạn 2018 -2022.
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), đây là một tín hiệu tốt cho ngành sản xuất mía đường trong nước, đặc biệt là trong thời gian qua, diễn biến ngành mía đường sẽ gặp khó khăn khi thuế nhập khẩu đường về 0%.
Thực tế cho thấy năm 2017, cổ phiếu của một số công ty mía đường liên tục giảm mà nguyên nhân được đánh giá là do các nhà đầu tư nhìn thấy những khó khăn của ngành mía đường trong nước trước thông tin thuế nhập khẩu đường trong nội khối ASEAN sẽ về 0% từ đầu năm 2018.
Tuy nhiên, kể từ ngày 27-12-2017, thời điểm Chính phủ có Nghị định 156 nói trên, giá cổ phiếu một số công ty mía đường bắt đầu tăng trở lại và tăng nhiều phiên liên tục. Số liệu của VSSA cho thấy, giá bán buôn đường kính trắng trong tháng 12 từ 12.700- 14.100 đồng/kg, giảm 200 - 300 đồng/kg so tháng trước. 
Với việc giữ nguyên mức thuế 5% trong nội khối ASEAN, kèm theo đó là lượng đường trong nước vẫn còn dồi dào, giá bán vẫn ở mức thấp nên thời điểm này, doanh nghiệp có thể không ưu tiên nhập khẩu đường từ các nước trong khu vực. 
Tính đến 31-12-2017, lượng đường tồn kho tại các nhà máy là gần 240.000 tấn, vì thế, theo VSSA, nguồn cung từ tồn kho tháng trước và sản lượng đường sản xuất trong tháng đầu tiên của năm 2018 sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, kể cả để chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất.

Nguồn: Ngọc Hùng/TBKTSG