Chính sách đặc thù về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp kinh doanh xổ số

Theo Nghị định 122/2017/NĐ-CP của Chính phủ ký ngày 13/11/2017 quy định một số nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp kinh doanh xổ số; Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam có hiệu lực từ 1/1/2018.

Theo đó, nghị định quy định doanh nghiệp kinh doanh xổ số chỉ được đầu tư ra bên ngoài đối với các ngành nghề liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh xổ số.

Bên cạnh đó, nhiều điều khoản liên quan đến chi phí trả thưởng, chi hoa hồng cho đại lý, chi phí ủy quyền trả thưởng … cũng được làm rõ tại nghị định mới này.

Điểm đáng lưu ý nhất trong nghị định lần này là việc xác định doanh thu thực tế từ hoạt động kinh doanh các sản phẩm xổ số tự chọn số điện toán của Vietlott tại địa bàn từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí

Theo Nghị định số 124/2017/NĐ-CP ngày 15/11/2017 quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí có hiệu lực từ 1/1/2018.

Theo đó, để chuẩn bị đầu tư hoặc triển khai dự án dầu khí tại nước ngoài, nhà đầu tư được phép thành lập hoặc tham gia thành lập công ty điều hành tại Việt Nam, tại nước tiếp nhận đầu tư hoặc tại nước thứ ba theo quy định của pháp luật có liên quan, hợp đồng dầu khí và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế được chấp nhận chung, theo VnEconomy.

Nghị định mới về sửa đổi quy định về thu tiền sử dụng đất

Ngày 14/11/2017, Chính phủ ban hàng Nghị định số 123/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Cụ thể, Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về thu tiền sử dụng đất và Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, theoGiaoduc.

Chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần

Theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP ký ngày 16/11/2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần có hiệu lực từ 1/1/2018,

Một số chính sách mới về xuất nhập khẩu có hiệu lực từ tháng 01/2018:

Ưu đãi thuế nhập khẩu với DN sản xuất ô tô; ô tô trên 07 đến 09 chỗ được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời hoàn toàn mới hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng phải dán nhãn năng lượng trước khi ra thị trường; Luật quản lý ngoại thương 2017… là những chính sách mới trong lĩnh vực xuất nhập khẩu có hiệu lực từ 01/01/2018.

Doanh nghiệp sản xuất ô tô được ưu đãi thuế

Ngày 16/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch.

Theo quy định mới, chương trình ưu đãi thuế được áp dụng đối với doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô.

Hồ sơ đăng ký tham gia chương trình bao gồm:

- Công văn đăng ký tham gia Chương trình ưu đãi thuế theo Mẫu số 05 (01 bản chính) quy định tại Phụ lục II;

- Giấy chứng nhận doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc luận chứng kinh tế kỹ thuật của nhà máy (01 bản chụp có chứng thực).

Nghị định 125/2017/NĐ-CP bãi bỏ Khoản 2 Điều 4 và các Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 122/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Áp thuế 0% với linh kiện ô tô nhập khẩu

Từ 2018, linh kiện ô tô nhập khẩu sẽ được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%, xe ô tô đã sử dụng từ 9 chỗ trở xuống áp thuế nhập khẩu tuyệt đối 10.000 USD/xe là nội dung được quy định tại Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Để được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% với linh kiện ô tô nhập khẩu, doanh nghiệp phải cam kết sản xuất, lắp ráp xe ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải từ mức 4 và đạt đủ sản lượng theo quy định; Linh kiện nhập khẩu phải thuộc loại trong nước chưa sản xuất được…

Trường hợp doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên và có số tiền thuế đã nộp đối với số linh kiện ô tô đã nhập khẩu lớn hơn số tiền thuế phải nộp thì cơ quan hải quan thực hiện xử lý tiền thuế nộp thừa cho doanh nghiệp theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Ô tô trên 07 đến 09 chỗ phải dán nhãn năng lượng trước khi ra thị trường

Theo quy định tại Thông tư 40/2017/TT-BGTVT về dán nhãn năng lượng thì xe ô tô con trên 07 đến 09 chỗ được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời hoàn toàn mới hoặc NK chưa qua sử dụng phải được dán nhãn năng lượng trước khi đưa ra thị trường.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định cơ sở sản xuất, lắp ráp và NK xe ô tô con trên 07 đến 09 chỗ được tự công bố mức tiêu thụ nhiên liệu và dán nhãn năng lượng trong các trường hợp sau:

- Xe sản xuất, lắp ráp thuộc loại xe đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước 01/01/2018 theo Thông tư 30/2011/TT-BGTVT ngày 15/4/2011 và Thông tư 54/2014/TT-BGTVT ngày 20/10/2014.

- Xe NK thuộc loại xe đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước 01/01/2018 theo Thông tư 31/2011/TT-BGTVT ngày 15/4/2011 và Thông tư 55/2014/TT-BGTVT ngày 20/10/2014.

Thông tư 40/2017/TT-BGTVT không áp dụng đối với các xe trực tiếp phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, xe ngoại giao, lãnh sự...

Luật quản lý ngoại thương có hiệu lực từ 01/01/2018

Trong đó có nhiều quy định nổi bật về biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương, giải quyết tranh chấp.

Đáng chú ý, các biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ lần đầu tiên được đưa vào luật.

Luật quản lý ngoại thương quy định thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam có quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trong Luật cũng quy định cụ thể về các biện pháp hành chính như sau:

- Cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu;

- Hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu;

- Quản lý theo giấy phép, theo điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu;

- Chứng nhận xuất xứ hàng hóa;

- Chứng nhận lưu hành tự do;

- Các biện pháp khác.

Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số Thông tư trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và xuất nhập khẩu

Ngày 8/12/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 28/2017/TT-BCT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số Thông tư trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Theo đó, Thông tư đã đơn giản hóa 15 TTHC trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; bãi bỏ 02 TTHC trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp; trong lĩnh vực xuất nhập khẩu than, khoáng sản, Thông tư quy định linh hoạt hình thức bản sao trong quá trình thực hiện thủ tục xuất khẩu khoáng sản tại Thông tư số 12/2016/TT-BCT và thủ tục xuất khẩu than quy định tại Thông tư số 15/2013/TT-BCT; bãi bỏ Chương IV Thông tư số 44/2010/TT-BCT trong hoạt lĩnh vực xuất khẩu gạo; bãi bỏ 02 Thông tư trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, gồm: Thông tư số 20/2011/TT-BCT và Thông tư số 04/2017/TT-BCT.

Thông tư này là để hiện thực hóa Phương án đơn giản hóa của Bộ Công Thương tại Quyết định số 4648/QĐ-BCT ngày 09 tháng 12 năm 2016. Việc ban hành Thông tư này cùng với việc ban hành 04 Nghị định của Chính phủ, 08 Thông tư khác của Bộ Công Thương trước đó và 05 dự thảo Nghị định, Quyết định Thủ tướng Chính phủ đã được Bộ Công Thương trình cấp có thẩm quyền trong năm 2017 đã góp phần nâng tỉ lệ thực hiện Phương án đơn giản hóa TTHC của Bộ Công Thương đến thời điểm này lên 181/123 TTHC. Trong đó mục tiêu của việc bãi bỏ, đơn giản hóa các TTHC này của Bộ Công Thương là tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam theo các Nghị quyết của Chính phủ về cải cách TTHC trong thời gian qua.

Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

Kể từ 01/01/2018, thay thế hoàn toàn xăng khoáng RON 92 bằng xăng E5 RON 92

Tại cuộc họp về việc thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo: Cho phép tồn tại hai loại xăng: RON 92 và E5 RON92 đến hết ngày 31/12/2017.

Kể từ ngày 01/01/2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 nhằm góp phần bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, giảm dần sự lệ thuộc vào xăng khoáng, cải thiện môi trường, đồng thời thực hiện tốt các cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế về giảm khí thải nhà kính, góp phần tạo thu nhập bền vững cho khu vực nông nghiệp và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tính toán lộ trình, bước đi phù hợp, khả thi để thay thế toàn bộ xăng khoáng RON 92 bằng xăng E5 RON 92.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương (với các đơn vị phụ trách là Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Thị trường trong nước, Cục Quản lý thị trường) phối hợp cùng các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tích cực nghiên cứu, triển khai việc sử dụng xăng E5 thay thế xăng khoáng RON 92.

Theo ghi nhận, đến cuối tháng 12/2017, tại các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội..., việc chuyển đổi đã sẵn sàng. Xăng E5 đã hoàn toàn thay thế xăng khoáng RON 92 và bước đầu nhận được phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng.

Áp thuế suất thông thường với nhiều mặt hàng nhập khẩu

Ngày 16/11/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/2017/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 36/2016/QĐ-TTg quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu.

Theo Quyết định này, một loạt mặt hàng nhập khẩu được áp dụng thuế suất thông thường với mức 05%, như: Chế phẩm dùng trong chăn nuôi động vật; Quặng sắt; Kim cương công nghiệp và phi công nghiệp; Máy điều hòa không khí; Tủ lạnh; Máy in, máy copy và máy fax; Máy hút bụi; Máy ảnh; Máy quay phim…

Đối với hàng hóa không được áp dụng mức thuế suất nhập khẩu thông thường và không thuộc trường hợp được áp dụng thuế suất ưu đãi hoặc thuế suất ưu đãi đặc biệt thì áp dụng mức thuế suất thông thường bằng 150% mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng quy định tại Phụ lục II Nghị định số 125/2017/NĐ-CP.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Phương pháp, trình tự xác định chi phí hàng năm và giá điện của nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu

Ngày 29/11/2017, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 26/2017/TT-BCT quy định phương pháp, trình tự xác định chi phí hàng năm và giá điện của nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu

Theo đó, Thông tư này quy định phương pháp xác định chi phí hàng năm của nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu trong giai đoạn thị trường phát điện cạnh tranh và phương pháp, trình tự xác định giá điện của nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu trong giai đoạn thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Thông tư áp dụng đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu và các Tổng công ty Điện lực.

Tổng chi phí hàng năm của nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo bù đắp đủ chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ cần thiết của các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18 tháng 01 năm 2018.

Định mức tiêu hao năng lượng áp dụng cho các sản phẩm giấy

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 24/2017/TT-BCT quy định định mức tiêu hao năng lượng trong sản xuất giấy.

Thông tư này quy định định mức tiêu hao năng lượng trong sản xuất giấy giai đoạn đến hết năm 2020 và giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2025 đối với các sản phẩm sau: Giấy bao bì: được sản xuất từ nguyên liệu là giấy tái chế; Giấy Tissue (Giấy vệ sinh các loại): được sản xuất từ nguyên liệu là bột giấy nguyên thủy, giấy tái chế; Giấy in, giấy viết và giấy phô-tô copy: được sản xuất từ nguyên liệu bột giấy nguyên thủy, giấy tái chế không khử mực hoặc sản xuất theo quy trình tích hợp từ nguyên liệu gỗ.

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 10/01/2018.

Nội dung, trình tự thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện

Theo 23/2017/TT-BCT được ban hành ngày 16/11/2017, Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm đánh giá nhu cầu thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện cho hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện miền, hệ thống điện thuộc phạm vi quản lý với các nội dung chính sau:

Phân tích, đánh giá biểu đồ phụ tải điện các năm trước liền kề của hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện miền hoặc hệ thống điện thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

Nghiên cứu phụ tải điện theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

Dự báo nhu cầu phụ tải điện theo Quy định hệ thống điện truyền tải và Quy định hệ thống điện phân phối do Bộ Công Thương ban hành.

Phân tích, đánh giá hiện trạng hệ thống điện, kế hoạch đầu tư nguồn điện, lưới điện và đánh giá an ninh hệ thống điện theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

Xác định nhu cầu thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện.

Thông tư cũng quy định, thực hiện xây dựng, phân tích và đánh giá biểu đồ phụ tải hệ thống điện các năm trước liền kề (tối thiểu là 03 năm) để xác định những thông tin, đặc điểm về phụ tải điện.

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 02/01/2018.

Chi tiết Thông tư, xem tại đây.

Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu áp dụng từ năm 2018

Thông tư 65/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam đã công bố 06 quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa theo Danh mục dựa trên Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa của Tổ chức Hải quan thế giới.

Cụ thể, việc phân loại hàng hóa theo Danh mục phải tuân theo các quy tắc sau: Tên của các Phần, Chương hoặc Phân chương được đưa ra chỉ nhằm mục đích dễ tra cứu; 01 mặt hàng được phân loại vào 01 nhóm hàng thì mặt hàng đó ở dạng chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện cũng thuộc nhóm đó, nếu đã có đặc trưng cơ bản của hàng hóa đó khi đã hoàn chỉnh hoặc hoàn thiện; Hàng hóa không thể phân loại theo đúng quy tắc thì phân vào nhóm phù hợp với loại hàng hóa giống chúng nhất; Các loại bao hộp có hình dạng đặc biệt để chứa hàng hóa hoặc bộ phận hàng hóa xác định, có thể dùng trong thời gian dài và đi kèm với sản phẩm khi bán như bao đựng máy ảnh, máy quay phim, hộp đựng nhạc cụ, bao súng… được phân loại cùng với những sản phẩm này.

Thông tư có hiệu lực từ 01/01/2018.

Khuyến khích các trường dạy nghề và doanh nghiệp liên kết đào tạo

Tại Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khẳng định, Nhà nước khuyến khích cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp liên kết để tổ chức đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; trong đó, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp tác trong xác định chuẩn đầu ra, xây dựng chương trình, phát triển đội ngũ giảng viên doanh nghiệp, tổ chức tuyển sinh/tuyển dụng… Đồng thời, khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hợp tác để tổ chức và công nhận kết quả đào tạo một số môn học lý thuyết và thực hành.

Việc tổ chức liên kết đào tạo phải đáp ứng các yêu cầu như: Ngành, nghề đào tạo dự kiến liên kết phải phù hợp với nhu cầu nhân lực của địa phương, của doanh nghiệp; Đảm bảo yêu cầu về chất lượng đội ngũ giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy.

Khi tham gia liên kết đào tạo, các bên tham gia liên kết đào tạo được thống nhất mức thu lệ phí, tuyển sinh, học phí, thù lao cho người học trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp theo quy định.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 29/01/2018.

Bán cổ phần ưu đãi cho người lao động bằng 60% mệnh giá

Đây là nội dung đáng chú ý được Chính phủ nêu tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Theo đó, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa sẽ được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc với giá bán bằng 60% giá trị 01 cổ phần tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, người lao động phải nắm giữ số cổ phần bán với giá ưu đãi này và không được chuyển nhượng trong vòng 03 năm kể từ thời điểm nộp tiền mua cổ phần ưu đãi.

Nguồn: Vinanet tổng hợp

Nguồn: Vinanet