Theo Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, giấy tờ xuất nhập cảnh chỉ gồm 04 loại: Hộ chiếu ngoại giao; Hộ chiếu công vụ; Hộ chiếu phổ thông; Giấy thông hành.
Theo đó, giấy tờ xuất nhập cảnh không còn bao gồm Hộ chiếu thuyền viên nữa. Đồng thời, Luật mới cũng chỉ gọi chung là Giấy thông hành thay vì 04 loại Giấy thông như hiện nay (Giấy thông hành biên giới; Giấy thông hành nhập xuất cảnh; Giấy thông hành hồi hương; Giấy thông hành).
Theo khoản 3 Điều 15 Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam số 49/2019/QH14, người đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Riêng người có thẻ Căn cước công dân thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi.
Như vậy, người có thẻ Căn cước công dân đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu được lựa chọn nơi cấp hộ chiếu sao cho thuận lợi thay vì phải thực hiện ở nơi thường trú hoặc nơi tạm trú như hiện nay.
Đồng thời, người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông từ lần thứ 02 cũng sẽ được thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thuận lợi hoặc cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an. Thay vì, như hiện nay, chỉ trường hợp cấp lại hộ chiếu còn thời hạn mới được làm thủ tục tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an còn hộ chiếu hết hạn sẽ phải về Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.
Hộ chiếu phổ thông được cấp theo thủ tục rút gọn cho các đối tượng sau: Người ra nước ngoài có thời hạn bị mất hộ chiếu phổ thông, có nguyện vọng về nước ngay; người có quyết định trục xuất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại nhưng không có hộ chiếu; người phải về nước theo điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận giữa Việt Nam với nước sở tại về việc nhận trở lại công dân; người được cấp hộ chiếu phổ thông vì lý do quốc phòng, an ninh.
Theo đó, hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.

Nguồn: VITIC