Kiểm tra nhà nước sẽ thực hiện theo ba bước

Tháng 9/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 08/2018/TT-BTMT và Thông tư số 09/2018/TT-BTNMT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với 6 nhóm phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất gồm sắt, thép; nhựa; giấy; thủy tinh; kim loại màu; xỉ hạt lò cao. Trong đó, có nội dung quy định về hoạt động kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Do vậy, ngày 25/10, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo hướng dẫn triển khai quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Ông Nguyễn Bảo Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường cho biết: Theo quy định tại Thông tư số 08/2018/TT-BTMT và Thông tư số 09/2018/TT- BTNMT, cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu là Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Như vậy, theo dự thảo hướng dẫn tổ chức thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc kiểm tra về chất lượng phế liệu nhập khẩu sẽ được thực hiện theo 3 bước sau:

Bước 1: Tiếp nhập và kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu.

Ở bước này, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu; giấy đăng ký nhà nước về chất lượng liệu phế liệu nhập khẩu; hợp đông về việc mua bán phế liệu kèm theo danh mục phế liệu nhập khẩu (bản sao); danh mục phế liệu nhập khẩu theo hợp đồng; giấy giám định chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu; hóa đơn; Vận đơn; tờ khai phế liệu nhập khẩu; Ảnh hoặc bản mô tả phế liệu nhập khẩu; giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (bản sao); giấy xác nhận kỹ quỹ đảm bảo phế liệu nhập khẩu đối với lô hàng phế liệu đăng ký kiểm tra nhà nước.

Bước 2: Tổ chức thực hiện kiểm tra, giám định thực tế, lấy mẫu (đối với trường hợp phải lấy mẫu).

Tức là, sau khi nhận được thông báo bằng văn bản của tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm tra về địa điểm kiểm tra, lấy mẫu, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan Hải quan, tổ chức giám định được chỉ định và cơ quan liên quan tổ chức thực hiện kiểm tra, lấy mẫu để đánh giá chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu theo quy định.

Bước 3: Xác định tổ chức, cá nhân đã đăng ký kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu trên bản đăng ký của tổ chức, cá nhân nhập khẩu và thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm tra.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành kiểm tra các nội dung, bao gồm: Kiểm tra sự phù hợp của nội dung giám định chất lượng của lô hàng phế liệu nhập khẩu so với yêu cầu quy định kỹ thuật của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu đăng ký kiểm tra; Kiểm tra tính chính xác và đồng bộ về thông tin hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu; Đối với hóa đơn, vận đơn kiểm tra khối lượng, mã HS, cảng nhập khẩu phù hợp với văn bản đăng ký kiểm tra nhà nước và tờ khai nhập khẩu phế liệu của doanh nghiệp.

Sẽ hoàn thiện sớm văn bản hướng dẫn

Theo các đại biểu, những nội dụng hướng dẫn trong dự thảo hướng dẫn các tổ chức thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất vẫn còn nhiều vấn đề chưa phù hợp với thực tế, như: Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương chủ trì kiểm tra về mặt nhà nước trong khi doanh nghiệp trên một địa phương này, hàng phế liệu nhập khẩu về ở cảng lại thuộc địa phương khác; các bước thực hiện chưa được quy định cụ thể về thời gian thực hiện, thời gian ký quỹ đảm bảo phế liệu nhập khẩu phải trước khi tiến hành thủ tục thông quan phế liệu ít nhất 15 ngày đang làm khó doanh nghiệp trong khi một số nước ở châu Á quy định thời gian này là 3 hoặc 7 ngày…

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, ông Hoàng Văn Thức nhấn mạnh, nhập khẩu phế liệu đang là vấn đề nóng, lượng hàng tồn tại các cảng biển vẫn lớn, các cơ quan chức năng đang tích cực phối hợp giải quyết. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện hướng dẫn thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, nhằm kiểm soát chặt chẽ về bảo vệ môi trường, minh bạch hóa quá trình cải cách thủ tục hành chính về nhập khẩu phế liệu, để tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, nâng cao trách nhiệm của chủ hàng.

Đánh giá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với 6 nhóm phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất gồm sắt, thép; nhựa; giấy; thủy tinh; kim loại màu; xỉ hạt lò cao, ông Nguyễn Bảo Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng khẳng định, so với quy chuẩn cũ, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với 6 nhóm phế liệu làm nguyên liệu sản xuất mới bổ sung thêm các quy định chặt chẽ hơn đối với về phế liệu kim loại màu, phế liệu thủy tinh nhập khẩu và xỉ hạt lò cao.

Về kỹ thuật, điểm mới của quy chuẩn là thêm nội dung về phế liệu sắt, thép, nhựa phế liệu nhiễm các loại phóng xạ, tạp chất nguy hại và mức độ vượt cho phép không quá 2% so với tổng lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu. Các lô hàng nhập về từ 20 container trở lên sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên 10%.

Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất sẽ thực hiện các bước kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Đối với Giấy xác nhận ký quỹ bảo vệ môi trường nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 58 và Điều 59 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu. Theo đó, giấy xác nhận ký quỹ do Qũy Bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc ngân hàng thương mại nơi tổ chức, cá nhân ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu cấp. Thời gian ký quỹ phải trước khi tiến hành thủ tục thông quan phế liệu nhập khẩu ít nhất 15 ngày.

Số tiền ký quỹ được thực hiện theo quy định:

Khối lượng nhập khẩu dưới 500 tấn sắt, thép phế liệu phải thực hiện ký quỹ 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; Khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn đến dưới 1.000 tấn sắt, thép phế liệu phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; Khối lượng nhập khẩu từ 1.000 tấn sắt thép phế liệu phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu được nhập khẩu;

Khối lượng nhập khẩu từ 100 tấn giấy phế liệu phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; Khối lượng nhập khấu dưới 100 tấn đến 500 tấn phế liệu giấy phải thực hiện kỹ quỹ 18% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; Khối lượng phế liệu nhập khẩu trên 500 tấn giấy phế liệu phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Đối với các loại phế liệu khác, kiểm tra giấy ký quỹ đảm bảo phế liệu nhập khẩu là 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Nguồn: Baohaiquan.vn