Theo đó, kể từ ngày 17/4 đến hết ngày 31/8/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ áp dụng chế độ kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm chứng nhận an toàn thực phẩm đối với từng lô hàng cá thuộc bộ Siluriformes xuất khẩu vào Mỹ.

Các chỉ tiêu kiểm nghiệm gồm: Salmonella, Malachite Green/Leuco Malachite Green, Enrofloxacine/Ciprofloxacine, Crystal Violet/Leuco Crystal Violet và Nitrofurazone (SEM).

Đặc biệt, chỉ những lô hàng cá bộ Siluriformes sản xuất tại các cơ sở có tên trong danh sách các cơ sở được phép chế biến, xuất khẩu cá bộ Siluriformes vào Mỹ và có kết quả kiểm tra, kiểm nghiệm đạt yêu cầu mới được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm để xuất khẩu vào thị trường này.

Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sẽ tạm ngừng kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm đối với các lô hàng cá bộ Siluriformes xuất khẩu vào Mỹ của cơ sở có lô hàng bị cơ quan thẩm quyền của Mỹ cảnh báo không đạt yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm cho đến khi cơ sở hoàn thành điều tra nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo, thiết lập và thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp và được Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thẩm tra đạt yêu cầu.

Được biết, từ 1/9/2017, cá da trơn và cá tra được chính quyền Mỹ chính thức công nhận như là một loài cá da trơn, dù sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu sẽ phải chịu sự giám sát của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Tính đến nay, Việt Nam có 62 cơ sở trong danh sách xuất khẩu các sản phẩm cá họ Siluriformes vào thị trường này. Như vậy, cá tra (kể cả cá ba sa) Việt Nam khi xuất khẩu vào Mỹ  sẽ phải tuân thủ những yêu cầu và quy định rất nghiêm ngặt, mà theo FSIS (Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm của Mỹ), chỉ được nhập khẩu vào nếu chứng minh có sự tương đồng về nuôi tại Việt Nam với việc nuôi tại Mỹ.

Nguồn: baohaiquan.vn