Một số vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan đối với tàu biển như: Thủ tục tàu chuyển cảng; việc đồng bộ thông tin từ bản khai hàng hóa, vận đơn sang hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM)… hay quy định về nộp tài liệu chứng minh địa điểm đưa hàng về bảo quản là những vấn đề Tổng cục Hải quan hướng dẫn các đơn vị hải quan địa phương trong thực hiện Nghị định 59/2018/NĐ-CP và Thông tư 39/2018/TT-BTC.

DN khai báo chính xác mã cảng dỡ hàng

Về thủ tục tàu chuyển cảng: Theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 67 Nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 38 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP thì “a.Trường hợp tàu biển có kế hoạch chuyển cảng đến một cảng biển khác tại Việt Nam, chi cục hải quan nơi làm thủ tục nhập cảnh hoặc chi cục hải quan nơi tàu rời đi tiếp nhận thông tin tàu chuyển cảng do cảng vụ hàng hải, hãng tàu hoặc đại lý hãng tàu chuyển đến, lập phiếu chuyển hồ sơ tàu chuyển cảng theo chỉ tiêu thông tin của Bộ Tài chính gửi đến chi cục hải quan nơi tàu dự kiến đến.

c. Trong trường hợp tàu biển tiếp tục có kế hoạch chuyển cảng đến một cảng khác tiếp theo tại Việt Nam thì thực hiện theo điểm a khoản này”.

Căn cứ quy định trên, chi cục hải quan nơi làm thủ tục nhập cảnh hoặc chi cục hải quan nơi tàu rời đi tiếp nhận thông tin tàu chuyển cảng do cảng vụ hàng hải, hãng tàu hoặc đại lý hãng tàu chuyển đến để lập phiếu chuyển hồ sơ tàu chuyển cảng. Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan cho biết, hệ thống mới cho phép chi cục hải quan nơi làm thủ tục nhập cảnh thực hiện việc tiếp nhận thông tin tàu chuyển cảng và lập phiếu chuyển cảng. Tổng cục Hải quan sẽ bổ sung chức năng này trên hệ thống cho chi cục hải quan nơi tàu rời đi và vẫn phải đảm bảo theo dõi được hành trình của tàu từ khi tàu nhập cảnh, sau đó tàu chuyển cảng đến nhiều cảng tại Việt Nam trước khi xuất cảnh ra khỏi Việt Nam.

Về việc đồng bộ thông tin từ bản khai hàng hóa, vận đơn sang Hệ thống VASSCM, hiện tại đối với các vận đơn gom hàng có thông tin mã cảng dỡ hàng được khai báo đúng theo danh mục mã cảng đã được công bố, Cổng thông tin một cửa quốc gia khi tiếp nhận dữ liệu bản khai hàng hóa, vận đơn gom hàng sẽ đồng bộ sang hệ thống VASSCM theo đúng các cảng dỡ hàng đã khai báo. Khi đó, thông tin về hàng hóa sẽ được gửi đầy đủ sang cho DN cảng tại cảng dỡ hàng.

Tuy nhiên, thực tế phát sinh các trường hợp mã cảng dỡ hàng không được khai báo hoặc khai báo không đúng theo danh mục mã cảng đã được công bố, do vậy, toàn bộ thông tin hàng hóa trên bản khai hàng hóa, vận đơn sẽ được đồng bộ sang hệ thống VASSCM theo mã cảng đến, tức là cảng đầu tiên nơi tàu nhập cảnh.

Theo đó, để việc chuyển thông tin bản khai hàng hóa, vận đơn gom hàng sang hệ thống VASSCM được đồng bộ, tối ưu, Tổng cục Hải quan đề nghị cục hải quan tỉnh, thành phố yêu cầu DN khai báo chính xác mã cảng dỡ hàng trên vận đơn gom hàng theo danh mục mã cảng đã được công bố.

Về vướng mắc liên quan đến phân quyền khai báo bản khai hàng hóa và vận đơn gom hàng, Tổng cục Hải quan cho biết theo quy định tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP thì người khai hải quan gồm: “Thuyền trưởng hoặc người đại diện hợp pháp của người vận tải (hãng tàu hoặc đại lý hãng tàu) chịu trách nhiệm khai và làm thủ tục hải quan”. Hiện nay Cổng thông tin một cửa quốc gia cho phép hãng tàu phân quyền khai báo cho đại lý, công ty giao nhận hoặc các hãng tàu khác để khai báo bản khai hàng hóa, vận đơn gom hàng.

Xử lý tài liệu chứng minh địa điểm đưa hàng về bảo quản

Liên quan đến thực hiện Thông tư 39/2018/TT-BTC, Tổng cục Hải quan hướng dẫn quy định về nộp tài liệu chứng minh địa điểm đưa hàng về bảo quản và việc cập nhật kết quả kiểm tra địa điểm đưa hàng về bảo quản trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan như sau:

Theo quy định tại điểm b.1.4 Khoản 3 Điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 21 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC) thì người khai hải quan chỉ phải nộp một lần các tài liệu chứng minh địa điểm đưa hàng về bảo quản là kho, bãi có địa chỉ rõ ràng, được ngăn cách với khu vực xung quanh.

Chi cục Hải quan nơi DN lần đầu tiên đề nghị đưa hàng về bảo quản cập nhật thông tin về các địa điểm đưa hàng về bảo quản trên hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử để các chi cục hải quan khác tra cứu; giải quyết cho DN đưa hàng về bảo quản trong các lần sau và thực hiện kiểm tra điều kiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 33 Nghị định 08/2015/NĐ-CP và cập nhật thông tin kiểm tra vào hệ thống theo quy định tại điểm b.1.3 Khoản 5 Điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Tuy nhiên, do hệ thống chưa có chức năng để chi cục hải quan cập nhật thông tin này, do vậy trước mắt việc nộp một lần các tài liệu chứng minh địa điểm đưa hàng về bảo quản chỉ áp dụng trong phạm vi một chi cục hải quan nơi DN đăng ký tờ khai, trừ trường hợp địa điểm kiểm tra đã được chi cục hải quan kiểm tra theo hướng dẫn dưới đây.

Cụ thể trường hợp kiểm tra địa điểm bảo quản theo quy định tại điểm b.1.3 Khoản 5 Điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 21 Điều 1 Thông tư 39) thì sau khi kết thúc kiểm tra, nếu địa điểm đưa hàng về bảo quản đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, công chức hải quan thực hiện việc kiểm tra theo phân công của chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai hoặc cục hải quan nơi có địa điểm bảo quan (kiểm tra theo đề nghị của cục hải quan quản lý chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai) và lập Biên bản chứng nhận việc kiểm tra, nếu địa điểm bảo quản đáp ứng điều kiện quy định thì ghi rõ kết luận tại Biên bản chứng nhận, và giao cho DN một bản để xuất trình khi đề nghị đưa hàng về bảo quản cho các lần tiếp theo. Sau khi hệ thống đi vào vận hành, đơn vị hải quan thực hiện việc kiểm tra cập nhật kết quả kiểm tra vào hệ thống.

Đối với trường hợp Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành được sử dụng nhiều lần XK, NK, Tổng cục Hải quan ghi nhận để bổ sung chức năng theo dõi việc sử dụng Giấy chứng nhận. Trước mắt chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai XK, NK đầu tiên sẽ thực hiện việc cấp Phiếu theo dõi trừ lùi như đối với trường hợp giấy phép sử dụng cho nhiều lần XK, NK.

Nguồn: Baohaiquan.vn