Theo đó, ngay từ đầu năm 2019, hàng nông sản của các tỉnh đưa vào các chợ đầu mối của TP.HCM phải được sơ chế, đóng gói, đồng thời tiến tới truy suất nguồn gốc hàng hóa sản phẩm.

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, trong tương lai, tất cả hàng hóa nông sản thực phẩm của các tỉnh nhập vào 3 chợ đầu mối của TP.HCM phải được sơ chế, phân loại, kiểm dịch an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, đóng gói vào bao bì, để phân phối trực tiếp vào các chợ bán lẻ, siêu thị, các cửa hàng, các nơi tiêu dùng khác trên địa bàn TP và các tỉnh, thành khác.

Hoạt động này góp phần kéo giảm lượng rác thải đưa vào thành phố, đồng thời đảm bảo việc tiến tới truy xuất nguồn gốc hàng hóa sản phẩm, làm cơ sở quan trọng để xây dựng ba chợ đầu mối trở thành trung tâm bán buôn, xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm theo chủ trương Lãnh đạo Thành phố đã đề ra.

“Mỗi đêm 3 chợ đầu mối nông sản ở TP. HCM là chợ Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn tiếp nhận khoảng 9.205 tấn hàng hóa các loại. Tổng lượng rác bình quân hàng đêm tại ba chợ đầu mối này ước khoảng 240 tấn/đêm, trong đó ước tính lượng rác từ các hoạt động sơ chế nông sản tại chợ chiếm khoảng gần 90%.

Ban quản lý 3 chợ đầu mối này phải tốn hơn 2 tỉ đồng/tháng (tương đương gần 67 triệu đồng/ngày) để xử lý toàn bộ lượng rác thải này”, bà Trang cho biết.

Nguồn: Baohaiquan.vn