Những tháng đầu năm, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Bắc Giang đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra 37 vụ, xử lý 29 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 242.375.000 đồng; buộc tiêu hủy 1.900 kg phân bón NPK 12-6-2 giả, trị giá 8.360.000 đồng. Điển hình, ngày 12/5, Đội QLTT Chống hàng giả (Chi cục QLTT Bắc Giang) phối hợp cùng Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Bắc Giang) kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất phân bón giả, không có giá trị sử dụng của Công ty TNHH Xuất khẩu TMTH Tấn Đạt.Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ 1,9 tấn phân bón NPK TP 12-6-2+TE thành phẩm, xử phạt doanh nghiệp 60 triệu đồng, đình chỉ sản xuất phân bón NPK TP 12-6-2+TE 18 tháng; tịch thu, buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.
Trước đó, tháng 4/2017, Đội QLTT huyện Lục Nam, Công an huyện Lục Nam đã phối hợp kiểm tra, phát hiện xưởng sản xuất phân bón của Công ty CP Phân bón Hà Bắc, tại thôn Phương Lạn 5, xã Phương Sơn đang tổ chức sản xuất phân bón khi chưa được cấp giấy phép. Cũng liên quan đến doanh nghiệp này, trước đó, tại Cụm công nghiệp Xương Giang II, phường Xương Giang, Đội QLTT Chống hàng giả cùng Phòng An ninh kinh tế phối hợp kiểm tra, phát hiện công ty có hành vi kinh doanh không đúng địa điểm, trụ sở ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; sản xuất, gia công phân bón khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép. Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 78 triệu đồng.
Theo Sở Công Thương Bắc Giang, trên địa bàn hiện có 4 cơ sở được cấp phép sản xuất phân bón vô cơ. Ngoài ra, có gần 1.000 cơ sở kinh doanh phân bón, sản lượng tiêu thụ khoảng 200 nghìn tấn/năm. Nhằm kiểm soát chất lượng phân bón, hằng năm, Sở đã phối hợp với Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) khảo sát, lấy mẫu phân tích, đánh giá, cấp phép đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón cho các doanh nghiệp.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hà Văn Hạnh - Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn - môi trường, Sở Công Thương Bắc Giang - cho biết, công tác kiểm soát thị trường phân bón vô cơ hiện nay đang gặp khó khăn trong việc phát hiện và xử lý vi phạm. Để có đủ căn cứ xử lý, lực lượng chức năng buộc phải mua sản phẩm, gửi đến cơ sở giám định độc lập tại TP. Hải Phòng, Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh với kinh phí khoảng 4 triệu đồng/mẫu. Thời gian giám định kéo dài từ 3 - 4 tuần. Có những trường hợp khi nhận được kết quả thì lô hàng vi phạm đã được tiêu thụ hết nên khó thu giữ, xử lý.
Trước thực trạng trên, Chi cục QLTT Bắc Giang đã ban hành kế hoạch tăng cường quản lý sản xuất, sử dụng phân bón vô cơ. Theo đó, các đội QLTT chú trọng kiểm soát các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cửa hàng đầu mối trên địa bàn. Chủ động phối hợp với cơ quan liên quan mở các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát chuyên đề ngăn chặn hiệu quả các hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.
Thời gian tới, Chi cục QLTT Bắc Giang tiếp tục xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, không có giấy phép. Đồng thời, vận động các cơ sở trên địa bàn ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng…
Nguồn: Lan Anh - Thanh Tâm/Báo Công Thương điện tử