Cụ thể, ngày 16/1/ 2017 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 01/2017/TT-BNNPTNT về việc bổ sung danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam. Theo đó, chất Cysteamine được bổ sung vào danh mục cấm. Thông tư này có hiệu lực từ 1-3-2017.

Năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết liệt ngăn chặn chất cấm Salbutamol trong chăn nuôi. Chính vì nguồn cung cấp Salbutamol bị khống chế nên một số cơ sở chăn nuôi chuyển sang dùng chất Cysteamine (nhập lậu từ Thái-Lan, Trung Quốc) để thay thế.

Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Hoàng Thanh Vân chất Cysteamine là một một loại tiền hoócmôn có tác dụng kích thích sinh trưởng và tạo nạc đối với vật nuôi.

“Mặc dù là chất nội sinh nhưng hiện nay cũng có số cơ sở chăn nuôi lạm dụng sản phẩm này. Mặt khác, về hiệu quả đến nay chưa có ai đánh giá là nó có tác dụng tăng trọng hay tăng nạc hay là không và cũng chưa có ai đánh giá nó độc hại hay không độc. Song, trước dư luận và qua công tác thanh tra kiểm tra có phát hiện các cơ sở có dùng Cysteamine. Do đó, sau khi lấy ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia và xin ý kiến của các cơ quan quản lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chính thức đề xuất và dự thảo Thông tư để cấm Cysteamine trong sản xuất thức ăn chăn nuôi”, ông Vân cho biết.

Sau khi Thông tư 01/2017/TT-BNNPTNT có hiệu lực, chất Cysteamin sẽ được đưa vào danh mục cấm như chất vàng ô, Salbutamol.

Việc đưa Cysteamine vào danh mục cấm sẽ giúp cho các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý để thanh tra, kiểm tra và xử phạt những hành vi vi phạm.

Nguồn: nhandan.com.vn