Theo điểm b khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tín hiệu đỏ là cấm đi. Theo đó, người tham gia giao thông phải dừng lại khi thấy đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ.

Song có một số trường hợp sau người tham gia giao thông được phép di chuyển khi đèn đỏ:
- Khi có hiệu lệnh của cảnh sát giao thông - tức là được phép rẽ phải khi có hiệu lệnh của cảnh sát giao thông;
- Khi có đèn xanh báo hiệu ưu tiên cho phép lưu thông được lắp đặt kèm theo;
- Khi có biển báo hiệu cho phép các xe lưu thông được lắp đặt kèm theo;
- Vạch kẻ đường: Trường hợp không có biển cũng như đèn giao thông thì chúng ta sẽ tuân thủ theo vạch kẻ đường là vạch mắt võng. Khi đi trên vạch mắt võng này bắt buộc phải rẽ, không được dừng đỗ hay đi thẳng.
Trường hợp không có các dấu hiệu nêu trên mà vẫn rẽ phải, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt cụ thể như sau:
Đối với ô tô: Phạt tiền từ 1.200.000 - 2.000.000 đồng và tước Giấy phép lái xe 01 - 03 tháng (Điểm a khoản 5 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP).
Đối với xe máy: Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng và tước Giấy phép lái xe 01 - 03 tháng (Điểm c khoản 4 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP).
Như vậy, rẽ phải khi đèn đỏ có thể bị phạt tới 2 triệu đồng và tước Giấy phép lái xe tới 03 tháng.