Theo Tổng cục Thuế, phản ánh từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, thời gian qua thực trạng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp, các đối tượng buôn lậu lợi dụng việc sử dụng hóa đơn để hợp thức hóa cho hàng nhập lậu bằng các thủ đoạn như: xuất hóa đơn không đúng với nguồn gốc hàng hóa, xuất hóa đơn ghi giá hàng hóa trên hóa đơn thấp hơn nhiều so với giá thực gây khó khăn cho các cơ quan quản lý khi xử lý.

Để tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, Tổng cục Thuế đề nghị Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố chỉ đạo đơn vị trực thuộc tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong tình hình mới; quản lý hoạt động Thương mại biên giới với các nước có chung biên giới và thực hiện hướng dẫn chính sách và quản lý thuế đối với thương nhân thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu của Bộ Tài chính.

Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính về kế hoạch thanh tra, kiểm tra nguồn gốc hàng hóa là đầu vào của thương nhân (doanh nghiệp, hộ kinh doanh) tại khu vực biên giới và kiểm tra việc ghi hóa đơn khi xuất bán hàng hóa theo nguyên tắc sau:

Đối với hàng hóa đầu vào của thương nhân, thương nhân phải có đủ tài liệu chứng minh nguồn gốc hàng hóa trước khi xuất bán đảm bảo hàng hóa nhập khẩu đã được nộp đủ các loại thuế ở khâu nhập khẩu quy định.

Về việc sử dụng hóa đơn, Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế bổ sung doanh nghiệp, hộ kinh doanh có hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu vào danh sách doanh nghiệp thuộc loại rủi ro về thuế, phải mua bán hóa đơn của cơ quan Thuế hoặc sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực theo lộ trình.

Riêng đối với hàng hóa do thương nhân bán ra, khi bán hàng, đối với thương nhân là hộ kinh doanh thì hộ này xuất hóa đơn bán hàng theo quy định và nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo tỷ lệ 1%, nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 0,5% trên doanh thu.

Đối với thương nhân là doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì sử dụng hóa đơn bán hàng và nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1%, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ 1% trên doanh thu. Nếu doanh nghiệp thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì sử dụng hóa đơn GTGT, kê khai thuế GTGT đầu vào theo phương pháp khấu trừ thì sử dụng hóa đơn GTGT, kê khai thuế GTGT đầu ra theo thuế suất 10%, nộp thuế TNDN theo kê khai (doanh thu trừ chi phí).

Tổng cục Thuế quy định, trường hợp cơ quan Thuế qua kiểm tra có đủ tài liệu xác định giá trị hàng hóa xuất bán ghi trên hóa đơn không phù hợp với giá trị thị trường thì cơ quan thuế thực hiện ấn định giá làm căn cứ xác định số thuế GTGT, thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo hóa đơn.

Trường hợp kiểm tra phát hiện thương nhân xuất hóa đơn bán hàng hóa không có nguồn gốc hợp pháp thì cơ quan thuế cung cấp thông tin cho cơ quan hải quan để có biện pháp xử lý truy thu thuế ở khâu nhập khẩu theo quy định. Đối với thương nhân là doanh nghiệp thì hàng hóa không có nguồn gốc hợp pháp không có hồ sơ chứng từ hợp lệ thì không được tính vào chi phí và xử lý theo quy định.

Các Cục Thuế địa phương phải tổng hợp những vướng mắc, đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách thuế có liên quan đến hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và báo cáo về Tổng cục Thuế.

Nguồn: baohaiquan.vn