Dự án thực hiện trên địa bàn 2 huyện Việt Yên, Hiệp Hòa (Bắc Giang) và huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) với tổng chiều dài 34km, vận tốc thiết kế 80km/giờ, quy mô đường ôtô cấp 3 đồng bằng, 2 làn xe, bề rộng mặt đường 12m.

Điểm đầu nút giao Quốc lộ 37 với Quốc lộ 1 thuộc khu công nghiệp Đình Trám (Việt Yên, Bắc Giang). Điểm cuối tại nút giao Yên Bình giao giữa đại lộ Đông Tây Yên Bình với đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên.

Ban Quản lý dự án 6 cũng đưa ra 2 phương án đầu tư, trong đó Phương án 1 không xây dựng cầu vượt đường sắt và đường tỉnh 295B có tổng mức đầu tư gần 1.298 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn 22 năm. Phương án 2 có xây dựng cầu vượt đường sắt và đường tỉnh 295B với nguồn vốn hơn 1.541 tỷ đồng và dự án sẽ hoàn vốn trong 26 năm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án 6 cũng cho biết, qua nghiên cứu và tính toán, dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn nối đường cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn với Hà Nội-Thái Nguyên nếu theo phương án 1 (không xây dựng cầu vượt đường sắt tại km72+00, Quốc lộ 37) là khả thi.

Dự kiến, dự án sẽ được đặt 1 trạm thu phí tại km87 tại Thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang, thời gian bắt đầu thu từ năm 2017. Mức thu phí theo Thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính và 3 năm điều chỉnh một lần, mỗi lần tăng 18%. Mức thu phí tương ứng với xe con đề xuất là 35.000 đồng/lượt xe.

Nếu được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận, dự án dự kiến khởi công quý 4/2015, thời gian hoàn thành là 24 tháng (quý 4/2017).

Theo phía đơn vị đề xuất, dự án phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, vùng và kinh tế-xã hội của 2 tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên bởi đường cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn đang triển khai đoạn Hà Nội-Bắc Giang quy mô 4 làn xe, đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên đã đưa vào khai thác quy mô 4-6 làn xe, các khu công nghiệp Phong Châu, Đình Trám, Hoàng Mai, Việt Tiến phát triển dọc Quốc lộ 37.

Đặc biệt, khu tổ hợp Yên Bình với diện tích 8.000ha đang phát triển mạnh, tạo đà bứt phá cho khu vực. Do đó, việc kết nối trực tiếp giữa hai đường cao tốc và hai khu công nghiệp lớn của 2 tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên là hết sức cần thiết.

Nguồn: Đầu tư