Công văn này thay thế các công văn: 8154/TCHQ-GSQL ngày 8/9/2015 về việc kiểm tra phế liệu NK chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; 2443/TCHQ-GSQL ngày 7/5/2018 về việc xử lý hàng hóa là phế liệu tồn đọng trong địa bàn hoạt động hải quan và công văn 3738/TCHQ-GSQL ngày 26/6/2018 về việc quản lý phế liệu NK của Tổng cục Hải quan.
Theo đó, các cục hải quan tỉnh, thành phố cần căn cứ vào cơ sở pháp lý về quản lý chất thải, phế liệu NK từ nước ngoài vào Việt Nam được qui định tại Khoản 12, Khoản 16, Điều 3; Khoản 9, Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014.
Phế liệu làm thủ tục hải quan NK phải thỏa mãn các điều kiện: Thuộc danh mục được phép NK do Thủ tướng Chính phủ ban hành (Khoản 1 Điều 76 Luật Bảo vệ môi trường): hiện nay, thực hiện theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phế liệu được phép NK từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;
Có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường (Khoản 1 Điều 76 và Khoản 2 Điều 141 Luật Bảo vệ môi trường): hiện nay, thực hiện theo Thông tư số 43/2010/TT-BTNMT ngày 29/12/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;
Nhập khẩu bởi DN có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và trong hạn mức NK (Khoản 2 Điều 76 Luật Bảo vệ môi trường).
Các cục hải quan tỉnh, thành phố cũng cần phải xử lý trong quá trình tiến hành thủ tục nhập cảnh cho phương tiện vận tải vận chuyển phế liệu, hàng hóa đã qua sử dụng có đặc trưng của phế liệu.
Đặc biệt, các cục hải quan tỉnh, thành phố cần thông báo cho các hãng tàu, đại lý hãng tàu thực hiện việc khai thông tin manifest theo đúng quy định tại khoản 1 Mục II Công văn này.
Thông báo cho người NK phế liệu để thực hiện. Trong đó, cơ quan Hải quan chỉ thực hiện tiến hành thủ tục hải quan đối với phế liệu NK từ nước ngoài thỏa mãn các điều kiện: thuộc danh mục được phép NK do Thủ tướng Chính phủ ban hành, có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, được NK bởi DN NK có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và trong hạn mức NK;
Đối với hàng hóa là phế liệu thạch cao, phế liệu thủy tinh, phế liệu các nguyên tố hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử, ở dạng đĩa, tấm mỏng, hoặc các dạng tương tự tại ô mô tả hàng hóa khai: “PL#&tên hàng hóa”;
Đồng thời, cung cấp cho người XK/người vận chuyển các thông tin cụ thể về DN (tên DN, mã số thuế, địa chỉ, số Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất …); về hàng hóa (loại phế liệu, mã HS tối thiểu 4 số…) để khai đầy đủ các chỉ tiêu thông tin trên manifest.
Theo Tổng cục Hải quan, thời gian gần đây hoạt động NK, mua bán phế liệu ở nước ta có chiều hướng tăng mạnh, diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm ảnh hưởng môi trường sống, gây bức xúc trong dư luận.
Trong quá trình theo dõi, kiểm tra, giám sát hàng hóa, điều tra xác minh, cơ quan Hải quan đã phát hiện DN thực hiện một số phương thức, thủ đoạn gian lận trong NK phế liệu như làm giả, tẩy xóa, sửa đổi các văn bản, Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để hợp thức hóa hồ sơ NK phế liệu, khai sai tên hàng, mã số hàng hóa khác với tên hàng, mã số hàng hóa là phế liệu thuộc danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, chủ động lấy mẫu giám định để sử dụng kết quả giám định hợp thức hóa, chứng minh hàng hóa NK không phải phế liệu để khi NK không chịu các chính sách quản lý đối với phế liệu hoặc NK các lô hàng rác thải về Việt Nam sau đó từ chối nhận hàng, để tồn đọng tại cảng biển Việt Nam nhằm thu lợi từ các đối tượng ở nước ngoài (qua việc sử dụng Việt Nam làm nơi chứa rác thải)…
Để ngăn chặn các hành vi gian lận nêu trên, không để Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới, tốn kém chi phí tiêu hủy đối với hàng hóa là phế liệu, chất thải đưa vào lãnh thổ, đồng thời thực hiện đúng quy định về kiểm tra hải quan theo quy định tại Điều 31, 32, 33, 34 của Luật Hải quan 2014, chế tài xử lý trong Nghị định số 45/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 5290/VPCP-KTTH ngày 05/6/2018 về việc quản lý chặt chẽ NK phế liệu vào Việt Nam, Tổng cục Hải quan yêu cầu:
Cục Điều tra chống buôn lậu, chủ trì, hướng dẫn cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện kế hoạch điều tra, xác minh, xử lý vi phạm trong hoạt động NK phế liệu, trong đó tập trung thu thập thông tin, dữ liệu, hồ sơ liên quan hoạt động NK phế liệu sắt thép, nhựa, giấy từ nước ngoài về Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua và rà soát, kiểm tra để xác định dấu hiệu nghi vấn vi phạm; chủ trì, hướng dẫn các đơn vị thực hiện điều tra, xác minh các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn trong hoạt động NK phế liệu và xử lý các trường hợp vi phạm theo qui định của pháp luật.
Đồng thời, phối hợp, hỗ trợ cục hải quan các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện xác minh hồ sơ, tài liệu nước ngoài đối với lô hàng phế liệu NK có dấu hiệu nghi vấn vi phạm pháp luật.
Phối hợp Văn phòng Tổng cục thực hiện công tác giám sát trực tuyến trọng điểm việc thực hiện kiểm tra, lấy mẫu đối với hàng hóa phế liệu NK từ nước ngoài vào Việt Nam và hàng hóa NK đã qua sử dụng có đặc trưng của phế liệu nhưng khai báo mã số hàng hóa không thuộc danh mục phế liệu được phép NK từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất ban hành kèm theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg.
Cục Kiểm định Hải quan xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện nhiệm vụ được giao nhằm đảm bảo khi triển khai thực hiện không làm ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu. Bố trí cán bộ kiểm định thường trực tại cửa khẩu để phối hợp thực hiện kiểm tra và lấy mẫu.
Cục Quản lý rủi ro, hỗ trợ phân tích thông tin manifest, chuyển luồng kiểm tra thực tế các lô hàng nghi vấn là chất thải, phế liệu NK. Phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Cục Kiểm định hải quan để xây dựng tiêu chí kiểm tra điều kiện, không cho phép đăng ký tờ khai đối trường hợp DN NK phế liệu không có Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, xây dựng các chức năng trên Hệ thống: Không cho phép đăng ký tờ khai hải quan trên hệ thống VNACCS/VCIS đối với hàng hóa là phế liệu NK nhưng doanh nghiệp NK không có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; cho phép cập nhật, tra cứu danh sách các DN được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, văn bản thông báo về lô hàng phế liệu NK.
Cục Kiểm tra sau thông quan chủ trì, phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Quản lý rủi ro, Cục Kiểm định hải quan, Vụ Thanh tra - Kiểm tra để thu thập, phân tích thông tin, lập và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra trọng điểm việc sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm không đưa vào sản xuất theo đúng Giấy xác nhận NK phế liệu đã được cấp.
Cục Giám sát quản lý về hải quan, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thủ tục NK phế liệu theo đúng hướng dẫn tại Công văn này và các văn bản liên quan.
Phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan cập nhật danh sách các DN được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, văn bản thông báo về lô hàng phế liệu NK vào Hệ thống Thông quan điện tử V5.
Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị quán triệt triển khai thực hiện, trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị báo cáo Tổng cục Hải quan để kịp thời xem xét hướng dẫn.
Nguồn: Baohaiquan.vn