Nghị định này bổ sung thêm nội dung quy định số lượng và thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường vào Điều 14 Nghị định 18/2015/NĐ-CP. Cụ thể, một dự án đầu tư chỉ được lập một báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước các thời điểm sau đây: Đối với dự án đầu tư xây dựng, trình trước khi cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công;…
Bên cạnh đó, Chính phủ quy định cụ thể trong Nghị định việc nhập khẩu phế liệu không thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu để thử nghiệm làm nguyên liệu sản xuất tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP. Chất lượng phế liệu nhập khẩu để thử nghiệm làm nguyên liệu sản xuất không được lẫn các tạp chất sau đây: Hóa chất, chất dễ cháy, vũ khí, vật liệu chứa hoặc nhiễm chất phóng xạ vượt quá mức miễn trừ theo quy định pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ.
Tại Điều 10 Nghị định 38/2015/NĐ-CP, thời hạn giấy phép xử lý chất thải nguy hại là 03 năm kể từ ngày cấp. Mà nay, theo Nghị định này, thời hạn giấy phép xử lý chất thải nguy hại đã được tăng lên 05 năm kể từ ngày cấp.
Bên cạnh đó, Điều 10 Nghị định 38/2015/NĐ-CP còn được thay đổi, bổ sung một số điều sau:
- Giấy phép xử lý chất thải nguy hại thay thế giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường;
- Trong quá trình xem xét, cấp giấy phép, cơ quan cấp phép phải thành lập đoàn kiểm tra thực tế tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại;
- Thời hạn kiểm tra, chấp thuận vận hành thử nghiệm là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.;
- Thời hạn kiểm tra, cấp giấy phép là 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Lưu ý: Thời gian trên không bao gồm thời gian hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu.
Như vậy, so với trước đây, cơ quan cấp phép đã trực tiếp xuống cơ sở để kiểm tra thực tế và giảm ngắn thời hạn cấp giấy phép tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện dự án xử lý chất thải nguy hại.
Nghị định 40/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019.
Nguồn: VITIC/LuatVietnam