Nghị định này quy định nguyên tắc, nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Theo đó, người sử dụng lao động phải công khai những nội dung sau:

1. Tình hình thực hiện nhiệm vụ, sản xuất, kinh doanh;

2. Nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động;

3. Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể khác mà doanh nghiệp tham gia;

4. Nghị quyết Hội nghị người lao động;

5. Việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có);

6. Việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;

7. Tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Bên cạnh đó, người lao động cũng được tham gia ý kiến vào xây dựng, sửa đổi, bổ sung vào các văn bản của doanh nghiệp liên quan đến quyền lợi hợp pháp của họ. Người lao động cũng được quyết định giao kết, thỏa thuận sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động, tham gia hoặc không tham gia đình công theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, người lao động còn được kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội quy lao động, việc sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, các quỹ do người lao động đóng góp v.v.. Hội nghị người lao động được tổ chức theo hình thức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu và ít nhất một năm được tổ chức một lần.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Khi Nghị định này bắt đầu có hiệu lực thì nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ hết hiệu lực.

Xem chi tiết Nghị định số 149/2018/NĐ-CP tại đây.