Nghị định 86/2019/CP quy định về vốn pháp định của tổ chức tín dụng
Nghị định 86/2019/CP của Chính phủ sẽ có hiệu lực từ 15/1/2020 quy định cụ thể về mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Trong đó, vốn pháp định tối thiểu để thành lập, hoạt động ngân hàng thương mại và ngân hàng hợp tác xã tại Việt Nam là 3.000 tỷ đồng. Trong khi vốn để hoạt động ngân hàng chính sách được yêu cầu sẽ là 5.000 tỷ.
Với nhà đầu tư, ngân hàng nước ngoài muốn mở chi nhánh tại thị trường Việt Nam, mức vốn tối thiểu phải đáp ứng sẽ là 15 triệu USD.
Ngoài ra, nghị định cũng quy định mức vốn tối thiểu để mở và duy trì công ty tài chính là 500 tỷ đồng; công ty cho thuê tài chính là 150 tỷ và 5 tỷ đồng với tổ chức tài chính vi mô….
Các tổ chức tín dụng (trừ quỹ tín dụng nhân dân), chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động trước khi nghị định này có hiệu lực cũng phải bảo đảm có vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định nói trên.
Nghị định 90/2019/NĐ-CP về tăng lương tối thiểu vùng
Nghị định 90/2019/NĐ-CP ban hành ngày 15/11/2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
Theo đó, từ ngày 1/1/2020, lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm từ 150.000 đồng đến 240.000 đồng so với mức áp dụng năm 2019.
Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng I tăng từ 4.180.000 đồng/tháng lên 4.420.000 đồng/tháng; Vùng II tăng từ 3.710.000 đồng/tháng lên 3.920.000 đồng/tháng; Vùng III tăng từ 3.250.000 đồng/tháng lên 3.430.000 đồng/tháng; vùng IV tăng từ 2.920.000 đồng/tháng lên 3.070.000 đồng/tháng.
Chậm làm sổ đỏ, chủ đầu tư sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng trong Nghị định 91/2019/NĐ-CP
Theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP ban hành ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 5/1/2020, quy định hành vi không nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng.
Nghị định nêu rõ, tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất tự nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 7 Điều 26 của Luật Nhà ở và khoản 4 Điều 13 của Luật kinh doanh bất động sản thì hình thức và mức xử phạt tương ứng với thời gian và mức độ vi phạm như sau:
Từ sau 50 ngày đến 6 tháng: Phạt tiền từ 10-30 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 30 đến dưới 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; phạt tiền từ 50-100 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên.
Từ trên 6-9 tháng: Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; phạt tiền từ 50-100 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 30 đến dưới 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; phạt tiền từ 100-300 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên.
Từ trên 9-12 tháng: Phạt tiền từ 50-100 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; phạt tiền từ 100-300 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 30 đến dưới 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; phạt tiền từ 300-500 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên.
Từ 12 tháng trở lên, phạt tiền từ 100-300 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; phạt tiền từ 300-500 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 30 đến dưới 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; phạt tiền từ 500 triệu-1 tỷ đồng đối với trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên.
Thông tư số 22/2019/NHNN về tăng hệ số rủi ro cho vay bất động sản
Thông tư số 22/2019/NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định: từ 1/1/2020, các khoản cho vay để phục vụ kinh doanh bất động sản sẽ bị áp hệ số rủi ro 200% (hiện tại là 150%). Đồng thời, hệ số rủi ro với các khoản cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu mua nhà cũng bị áp dụng từ 50% đến 150% tùy giá trị giải ngân.
Trong đó, các khoản cho vay được đảm bảo toàn bộ bằng nhà ở (gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất sẽ có hệ số rủi ro 50% đáp ứng một số điều kiện (khoản vay cá nhân để mua nhà ở xã hội, mua nhà theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ và khoản cho vay cá nhân mua nhà dưới 1,5 tỷ đồng).
Đối với các khoản cho vay tiêu dùng cá nhân từ 4 tỷ trở lên (sau khi trừ đi khoản cho vay khách hàng đã áp dụng hệ số rủi ro 50%) sẽ bị áp hệ số rủi ro 120% (từ 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2020) và sau đó sẽ nâng lên 150% (từ 1/1/2021).

Nguồn: VITIC