Thuế CBPG tạm thời được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu thép phủ màu của Trung Quốc là từ 3,45% đến 34,27% và của Hàn Quốc là từ 4,48% đến 19,25%.
Bộ Công Thương bắt đầu tiến hành vụ việc điều tra vào tháng 10 năm 2018 trên cơ sở kết quả thẩm định Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG của đại diện ngành sản xuất trong nước nộp vào tháng 8 năm 2018.
Trải qua gần 8 tháng điều tra sơ bộ theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động của hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu đối với hoạt động của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc cũng như xem xét, tính toán tác động đối với các ngành sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng các sản phẩm thép phủ màu.
Kết quả điều tra cho thấy, mặc dù biện pháp tự vệ dưới hình thức hạn ngạch thuế quan đang được áp dụng nhưng lượng hàng hóa nhập khẩu trong hạn ngạch có dấu hiệu bán phá giá với biên độ khá cao, từ 3,45% đến 34,27%, tiếp tục gây ra đe dọa thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất thép phủ màu trong nước.
Hành vi bán phá giá nói trên tiếp tục gây ra sức ép đáng kể cho các chỉ số hoạt động của ngành sản xuất trong nước, thể hiện ở các tiêu chí như: sản lượng sản xuất, lượng bán hàng, doanh thu, lợi nhuận, thị phần, hàng tồn kho có nhiều biến động trong giai đoạn điều tra, đặc biệt trong giai đoạn 7 tháng cuối năm 2018 đến nay, các chỉ số này đều cho thấy xu hướng suy giảm rõ rệt, rất nhiều các doanh nghiệp sản xuất trong nước thua lỗ, nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động và số lượng lớn lao động đã phải nghỉ việc.
Khi quyết định áp dụng biện pháp CBPG tạm thời, Bộ Công Thương đã xem xét, cân nhắc ý kiến của các bên liên quan trong vụ việc và các cơ quan nhà nước có liên quan khác cũng như dựa trên thông lệ áp dụng của nhiều nước thành viên khác của WTO. Theo đó, đối với hàng hóa nhập khẩu trong hạn ngạch của biện pháp tự vệ, sẽ chỉ áp dụng mức thuế CBPG tạm thời. Đối với hàng hóa nhập khẩu ngoài hạn ngạch, sẽ so sánh giữa mức thuế CBPG tạm thời và thuế ngoài hạn ngạch tự vệ và sử dụng mức thuế nào cao hơn. Việc áp dụng này nhằm loại bỏ tình trạng đánh trùng thuế đối với các doanh nghiệp nhập khẩu.
Bên cạnh đó, đối với các sản phẩm thép phủ màu đặc biệt mà hiện tại ngành sản xuất trong nước chưa sản xuất được như các sản phẩm PCM, VCM dùng để sản xuất các mặt hàng điện lạnh và điện tử gia dụng, các sản phẩm PVDF dùng cho các nhà máy nhiệt điện, và một số sản phẩm đặc biệt khác... được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng biện pháp CBPG tạm thời. Theo quy định, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu cũng không bị áp dụng biện pháp CBPG.
Có thể thấy mức thuế CBPG tạm thời dao động từ 3,45% đến 34,27% áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc đã được đưa ra theo đúng các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, pháp luật Việt Nam và phản ánh đúng hành vi về giá bán của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài. Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài với các sản phẩm đúng quy cách, chất lượng và giá bán đúng quy luật thị trường được xác định biên độ bán phá giá thấp. Trong khi đó, hàng hóa trôi nổi chất lượng thấp bán phá giá sẽ bị ngăn chặn với mức thuế CBPG tạm thời tương đối cao.
Trong thời gian tới, để đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan, thẩm tra xác minh số liệu và tổ chức phiên tham vấn công khai để tất cả các bên có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình, đồng thời đánh giá tác động toàn diện của vụ việc đến các bên liên quan, bao gồm cả người tiêu dùng cuối cùng. Vụ việc dự kiến sẽ kết thúc điều tra vào Quý IV năm 2019.
Xem chi tiết QD 1711 qd_1711_qd-bct_DPKN.pdf
Nguồn: VITIC
 

Nguồn: Vinanet