Theo đó, có 5 trường hợp không tổ chức cuộc họp:

1. Họp giải quyết các công việc thường xuyên trong tình hình có thiên tai hoặc tình trạng khẩn cấp;

2. Họp giải quyết công việc đã được phân quyền, phân cấp, ủy quyền cho thủ trưởng cơ quan hành chính cấp dưới giải quyết;

3. Họp giải quyết công việc đã được pháp luật quy định giải quyết bằng các cách thức khác không phải thông qua cuộc họp;

4. Họp nghe báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác của cấp dưới thay thế cho việc kiểm tra trực tiếp đối với cơ quan, đơn vị cấp dưới và cơ sở.

5. Họp kết hợp với tham quan, giao lưu, nghỉ mát hoặc dùng hình thức họp để tổ chức vui chơi, giải trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Cụ thể, Quyết định này quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước. Họp, hội nghị (gọi chung là họp) bao gồm: Họp tham mưu, tư vấn; Họp giải quyết công việc; Họp chuyên môn; Họp giao ban; Họp sơ kết, tổng kết.

Các cuộc họp được tổ chức phải thực hiện đúng nguyên tắc: giải quyết công việc đúng thẩm quyền, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Tuân thủ pháp luật, tập trung dân chủ; công khai, minh bạch và bảo đảm bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật; Không làm ảnh hưởng đến các hoạt động công vụ khác của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền, việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho công dân và tổ chức theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào nội dung, quy mô, thành phần tham dự, điều kiện phương tiện kỹ thuật, công nghệ, người chủ trì cuộc họp quyết định hình thức tổ chức họp trực tiếp hoặc họp trực tuyến bảo đảm hiệu quả, thuận lợi, tiết kiệm và bảo đảm bí mật nhà nước. Người chủ trì cuộc họp phân công cơ quan, đơn vị chuẩn bị nội dung cuộc họp, bao gồm thành phần tham dự, thời gian, nội dung cuộc họp và chuẩn bị phương án kết luận cuộc họp nếu cần thiết. Tùy theo tính chất, nội dung, mục đích, yêu cầu của cuộc họp người chủ trì họp quyết định thành phần, số lượng đại biểu tham dự.

Thời gian tiến hành một cuộc họp được quy định như sau:

- Họp giao ban, họp giải quyết công việc, họp tham mưu, tư vấn, họp điều phối không quá một phần hai ngày làm việc.

- Họp chuyên môn từ một buổi làm việc đến 01 ngày, trường hợp đối với những đề án, dự án lớn, phức tạp thì có thể kéo dài thời gian hơn.

- Họp sơ kết, tổng kết công tác không quá 01 ngày.

- Họp chuyên đề không quá 01 ngày tùy theo tính chất và nội dung của chuyên đề.

- Họp tập huấn, triển khai từ 1 đến 2 ngày.

Quyết định cũng quy định cụ thể các cuộc họp, tổ chức cuộc họp, trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan trong việc tổ chức cuộc họp của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; của Chủ tịch UBND các cấp và cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 25/12/2018.

Xem chi tiết Quyết định 45/2018/QĐ-TTg tại đây.