Theo quy định tại Thông tư mới này, một số quy định tại Thông tư 30 do Bộ TT&TT ban hành năm 2011 đã được sửa đổi lại Cụ thể, về đơn vị đo kiểm phục vụ chứng nhận hợp quy, khoản 2 Điều 5 Thông tư 30 được sửa đổi, bổ sung thành: “Đơn vị đo kiểm phục vụ hoạt động công bố hợp quy là đơn vị đo kiểm được chỉ định hoặc thừa nhận hoặc đơn vị đã đăng ký hoạt động thử nghiệm theo Nghị định 107 ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp”.

Bộ TT&TT đã quy định cụ thể hơn về Danh mục sản phẩm, hàng hóa và hình thức quản lý. Theo đó, Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý; Sản phẩm, hàng hóa thuộc “Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành CNTT và truyền thông bắt buộc phải chứng nhận và công bố hợp quy” phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy. Sản phẩm, hàng hóa thuộc “Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành CNTT và truyền thông bắt buộc phải công bố hợp quy” phải được công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy”.

Việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo hai phương thức. Phương thức 1: Thử nghiệm mẫu điển hình áp dụng đối với sản phẩm sản xuất trong nước của các đơn vị đã có chứng chỉ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm và sản phẩm nhập khẩu.

Phương thức 5: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất, giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất, phương thức này áp dụng đối với sản phẩm sản xuất trong nước của các đơn vị chưa có chứng chỉ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm.

Đáng chú ý, theo quy định tại Thông tư 15 của Bộ TT&TT sẽ có hiệu lực từ năm 2019 sắp tới, thời gian Tổ chức chứng nhận hợp quy đánh giá và cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa CNTT, truyền thông đã được rút ngắn còn không quá 7 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, thay vì 10 ngày như quy định cũ.Trường hợp không cấp giấy chứng nhận hợp quy, Tổ chức chứng nhận hợp quy có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận và nêu rõ lý do.

Đồng thời, với việc sửa đổi, bổ sung Điều 22 Thông tư 30, Thông tư mới đã quy định cụ thể 4 trường hợp Giấy chứng nhận hợp quy hết hiệu lực, đó là: Tên, ký hiệu, phiên bản của sản phẩm đã được cấp chứng nhận thay đổi; Thiết kế kỹ thuật của sản phẩm đã được cấp chứng nhận thay đổi làm thay đổi chỉ tiêu kỹ thuật của sản phẩm; Không có kết quả đánh giá giám sát phù hợp theo quy định; Hết thời hạn ghi trên Giấy chứng nhận hợp quy.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.

Xem chi tiết Thông tư 15/2018/TT-BTTTT tại đây.