Trước nhiều thông tin trái chiều về việc đề xuất tạm nhập tái xuất các lô hàng nhập khẩu lúa mì lẫn cỏ kế đồng, sáng nay (17/10/2018), Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) đã có cuộc họp với các bên liên quan, các nhà khoa học để thông tin thêm về cỏ kế đồng và giải pháp xử lý thích hợp đối với lúa mì nhiễm loại cỏ này.

Tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp lúa mì trong nước kiến nghị Cục BVTV về việc cần có những nghiên cứu kỹ hơn về quy định tạm nhập tái xuất sản phẩm có lẫn sinh vật ngoại lai, trong trường hợp này, cần có có quy định về cụ thể hơn, lẫn cỏ kế đồng trong lúa mì ở mức nào thì phải tái xuất.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng đề xuất kéo dài thêm thời gian 6 tháng trước khi thực hiện quy định về tạm nhập tái xuất lúa mì lẫn cỏ kế đồng để doanh nghiệp có thể tìm kiếm nguồn cung hàng cũng như đàm phán đối với các đối tác nhập khẩu.

Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Văn Liêm , Viện trưởng Viện Bảo vệ Thực vật (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) cho biết, các nước trên thế giới rất quan ngại đến các sinh vật ngoại lai, bởi chúng có thể gây thiệt hại rất lớn. Ở góc độ nhà khoa học, sinh vật ngoại lai có thể ảnh hưởng tới hàng chục triệu nông dân, đồng thời không loại trừ ảnh hưởng tới xuất khẩu nông sản. Việt Nam chưa nhiễm loại cỏ này là việc cực kỳ may mắn. Do đó, việc tái xuất, ngăn chặn không cho vào Việt Nam là việc phải làm.

Trước các ý kiến của các doanh nghiệp, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV cho rằng, cần hiểu rõ tái xuất là tái xuất, cấm là cấm, ngừng là ngừng chứ không đánh đồng 3 khái niệm này. Khẳng định lại lần nữa đây là vấn đề kiểm dịch thực vật chứ không phải vấn đề an toàn thực phẩm, ông Hoàng Trung nhấn mạnh, cho đến thời điểm này, Cục chưa có văn bản nào công bố cấm nhập khẩu hay tạm ngừng nhập khẩu lúa mì lẫn cỏ kế đồng.

Theo ông Hoàng Trung, việc tái xuất các lô lúa mì lẫn cỏ kế đồng chắc chắn tác động với doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì Việt, song chỉ là ngắn hạn và không phải là không có giải pháp. Bằng chứng khoa học về những tác hại do cỏ kế đồng gây ra đã rõ ràng. Cần phải nhìn toàn cục về hậu quả khôn lường khi cỏ kế đồng xâm nhiễm vào Việt Nam và việc này không thể  tính toán được bằng tiền bạc.

Trước kiến nghị lùi lại thời hạn tái xuất của các doanh nghiệp, ông Hoàng Trung cho biết, sẽ tạm thời chưa áp dụng hình thức tái xuất lúa mì lẫn cỏ kế đồng từ ngày 1/11/2018, còn khi nào áp dụng biện pháp tái xuất hoặc các biện pháp khác thì sẽ báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Với 3 thị trường nhập khẩu lúa mì lớn của Việt Nam là Mỹ, Nga và Canada, Cục sẽ đàm phán, bàn giải pháp để có thể đạt được phương án giải quyết phù hợp cho cả nước xuất khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu và cơ quan quản lý nhà nước. Nếu không đạt được thỏa thuận, Cục sẽ báo cáo Bộ để đưa ra những quyết định cuối cùng về tái xuất hay tạm ngừng nhập khẩu. Các doanh nghiệp cần chia sẻ và chuẩn bị kế hoạch việc tái xuất hoặc tạm ngừng. Nếu áp dụng hình thức tái xuất, Cục sẽ thông báo cho doanh nghiệp ít nhất trước 1 tháng.

Nguồn: Baodautu.vn