Trong định hướng sửa các luật về thuế, Bộ Tài chính cho hay, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, trong bối cảnh nợ công tăng cao tại các quốc gia kể cả các nước đã phát triển, các quốc gia có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu, cụ thể để tăng nguồn thu bù đắp cho nguồn thu giảm do giảm thuế thu nhập (Thu nhập doanh nghiệp và Thu nhập cá nhân), các nước chuyển hướng sang tăng thuế tiêu dùng (Giá trị gia tăng và Tiêu thụ đặc biệt).

Theo Bộ Tài chính, số lượng quốc gia áp dụng thuế GTGT/thuế hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng, từ khoảng 140 nước năm 2004 lên 160 nước năm 2014, 166 nước năm 2016.

Cùng với việc tăng số lượng các nước sử dụng thuế GTGT để điều tiết tiêu dùng cũng như tăng số thu ngân sách, thì xu thế tăng thuế suất GTGT diễn ra phổ biến.

Từ năm 2009 - 2016, các nước đều tăng thuế suất phổ thông. Cụ thể Thuế suất trung bình tại các nước EU năm 2000 là 19%, đến năm 2014 mức thuế suất trung bình xấp xỉ 21,5%. Các nước OECD cũng có xu hướng tăng thuế suất thuế GTGT từ mức trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016.

Các nước châu Á cũng có xu hướng cơ cấu lại thu NSNN theo hướng tăng tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng thu ngân sách từ việc tăng thuế suất thuế GTGT, như Phi-líp-pin, Ấn Độ, Nhật Bản…

Theo Ngân hàng Thế giới qua thống kê mức thuế suất của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%), còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%. Các nước xung quanh như Lào, Indonesia, Campuchia cũng có mức thuế suất phổ biến là 10%; Trung Quốc có mức thuế suất phổ thông là 17% và mức ưu đãi là 13%. Philippines có mức thuế suất 15%.

Theo Chiến lược Cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020 thì thuế GTGT được “Sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng; giảm bớt nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5%; bổ sung quy định để xác định đúng cơ chế thu đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ mới phát sinh theo sự phát triển của kinh tế thị trường; nghiên cứu đến năm 2020 áp dụng cơ bản một mức thuế suất (không kể mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu);”

Vì vậy, để phù hợp với thông lệ và xu hướng cải cách thuế GTGT quốc tế, Bộ Tài chính đề nghị nâng mức thuế suất 10% theo một trong hai phương án.

Phương án 1: Tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 01/01/2019.

Phương án 2: Tăng theo lộ trình lên 12% kể từ ngày 01/01/2019 và 14% từ ngày 01/01/2021.

Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1, tức tăng thuế GTGT từ 10% lên 12%. Thời gian thực hiện từ 1/1/2019.

Dự kiến, hơn nửa triệu doanh nghiệp và hầu hết người dân sẽ chịu tác động từ việc tăng mức thuế GTGT này.

Theo con số công bố mới nhất, hiện nợ công của Việt Nam ở mức gần 2,6 triệu tỷ đồng.

Nguồn: vietnamnet.vn