Theo kế hoạch, năm 2016 TPHCM sẽ chi khoảng 30% tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) cho đầu tư phát triển toàn xã hội. Một trong số các chỉ tiêu được thành phố đặt ra trong năm tới sẽ là không để xảy ra ùn tắc giao thông trên 30 phút.

Trong số các công trình cầu đường quan trọng sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2016 có các tuyến đường quan trọng như hoàn thành toàn tuyến Phạm Văn Đồng, cầu Rạch Chiếc trên đường vành đai phía đông (không phải cầu Rạch Chiếc trên Xa lộ Hà Nội).

Thành phố cũng sẽ hoàn thành đường nối từ Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu (Quận 9), đường D3 Hiệp Phước, đường nối từ đường Nguyễn Văn Hưởng (quận 2) đến Xa lộ Hà Nội, đường Lương Định Của, đường Lê Đức Thọ (từ cầu Trường Đai đến cầu Cụt), đường Phan Văn Trị, (Gò Vấp) (từ cầu Hang đến Phạm Văn Đồng)…

Những ngày gần đây, ùn tắc giao thông trở nên nỗi ám ảnh của nhiều người dân thành phố, đặc biệt là vào giờ cao điểm 7 – 8 giờ sáng và 5 – 6 giờ chiều. Các “điểm đen” về kẹt xe tại TPHCM có thể kể đến như vòng xoay Nguyễn Thái Sơn – Phạm Văn Đồng (Gò Vấp), khu vực Ngã tư Hàng Xanh (giao với các trục đường Bạch Đằng, Xô Viết Nghệ Tĩnh), Ngã tư Thủ Đức … Đặc biệt tình trạng kẹt xe càng nghiêm trọng hơn khi xảy ra cùng thời điểm với mưa lớn, triều cường gây ngập úng.

Về chống ngập úng, trong năm 2016 UBND thành phố cũng đưa ra mục tiêu giải quyết 9 trong tổng số 17 điểm ngập do mưa hiện nay còn rải rác trên địa bàn thành phố gồm khu vực đường Gò Dầu, Trương Vĩnh Ký, Tân Quý, An Dương Vương, Nguyễn Xí, Quốc lộ 13, Mễ Cốc 2, Lưu Hữu Phước và Lương Định Của.

Mới đây nhất, cơn mưa lớn có lưu lượng 142 mm vào ngày 15-9 đã làm 77 tuyến đường tại thành phố bị ngập nước với các điểm ngập có diện tích từ 400 m2 đến hơn 31.300 m2. Các tuyến đường ngập nặng nhất là Nguyễn Hữu Cảnh (ngập sâu 0,6m), Kinh Dương Vương (ngập 0,5m), Gò Dưa, Đỗ Xuân Hợp, Lã Xuân Oai, Hồ Văn Tư, Tô Ngọc Vân, Quốc Hương ...

Trả lời báo chí gần đây, ông Võ Văn Luận, Chánh Văn phòng UBND thành phố, khẳng định dù chống ngập là việc dài hơi, tốn kém nhiều tiền của, nhưng chính quyền thành phố xác định chống ngập tiếp tục là “chương trình đột phá” của thành phố trong 5 năm tới.

Văn Nam
Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn