Sáng 16/5, tại Hà Nội, Tổng cục Thuế tổ chức họp báo chuyên đề giới thiệu một số quy định mới về khung giá tính thuế tài nguyên.

Theo Tổng cục Thuế, từ 1/7, Thông tư số 44/2017/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành, quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau sẽ bắt đầu có hiệu lực góp phần tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng, giảm thất thu ngân sách.

Tại cuộc họp báo ngày 16/6, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, có tình trạng, hiện nay, có nhiều địa phương đang áp dụng mức giá tính thuế tài nguyên khác nhau, tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng, thậm chí gây thất thu ngân sách, sử dụng tài nguyên không hiệu quả. Do đó, trong Nghị định số 12/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung  một số điều của các Luật Thuế đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan quy định khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau.

Theo Thông tư này, các nhóm, loại tài nguyên không quy định khung giá tính thuế tài nguyên gồm: Nước thiên nhiên dùng sản xuất thủy điện; dầu thô, khí thiên nhiên, khí than.

Theo đó, giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng sản xuất thủy điện thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4, còn giá tính thuế tài nguyên đối với dầu thô, khí thiên nhiên, khí than thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 4 Nghị định số 50/2010/NĐ-CP.

Còn lại, khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau, gồm: khoáng sản kim loại;  khoáng sản không kim loại; sản phẩm của rừng tự nhiên; hải sản tự nhiên; nước thiên nhiên và yến sào thiên nhiên. Căn cứ khung giá tính thuế tài nguyên ban hành tại Thông tư này, UBND cấp tỉnh ban hành Bảng giá tính thuế tài nguyên áp dụng tại địa phương.

Đối với loại tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến thành sản phẩm công nghiệp mới bán ra, giá tính thuế tài nguyên khai thác là giá đã trừ đi chi phí chế biến theo quy định tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư số 152/2015/TT-BTC nhưng phải đảm bảo nằm trong khung giá tính thuế tài nguyên.

Trường hợp điều chỉnh, bổ sung khung giá tính thuế tài nguyên khi giá tài nguyên phổ biến trên thị trường biến động lớn, tức là tăng từ 20% trở lên so với mức giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với mức giá tối thiểu của khung giá tính thuế tài nguyên hoặc phát sinh loại tài nguyên mới chưa được quy định trong khung giá tính thuế tài nguyên.

Đối với trường hợp giá tài nguyên biến động lớn phải điều chỉnh ngoài khung giá tính thuế tài nguyên, trong thời gian 30 ngày, Sở Tài chính phối hợp với Cục Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo UBND cấp tỉnh có văn bản trao đổi với Bộ Tài chính trước khi quyết định ban hành văn bản điều chỉnh Bảng giá tính thuế tài nguyên.

Đối với loại tài nguyên mới chưa được quy định trong khung giá tính thuế tài nguyên, Sở Tài chính, Cục Thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ giá giao dịch phổ biến trên thị trường hoặc giá bán tài nguyên đó trên thị trường trình UBND cấp tỉnh ban hành văn bản quy định bổ sung bảng giá tính thuế đối với loại tài nguyên này.

Các trường hợp cần điều chỉnh, bổ sung khung giá tính thuế tài nguyên các đơn vị cần gửi về Bộ Tài chính để làm căn cứ điều chỉnh Khung giá tính thuế tài nguyên cho phù hợp, chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày có phát sinh.

Đối với loại tài nguyên trong Bảng giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh ban hành và đang có hiệu lực thi hành, phù hợp với khung giá tính thuế tài nguyên ban hành theo Thông tư này thì tiếp tục áp dụng theo bảng giá do UBND cấp tỉnh đã ban hành.

Đối với loại tài nguyên trong Bảng giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh ban hành không còn phù hợp với khung giá tính thuế tài nguyên ban hành kèm theo Thông tư này thì UBND cấp tỉnh ban hành văn bản điều chỉnh cho phù hợp, chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Nguồn: dangcongsan.vn