Sự thận trọng của nhà đầu tư khiến thị trường tiếp tục diễn biến ảm đạm trong phiên sáng nay. Thiếu động lực, cả 2 chỉ số đều đóng cửa trong sắc đỏ với thanh khoản thấp. Tuy nhiên, thị trường vẫn có một vài con sóng nhỏ gây chú ý.

Ngoại trừ sự đột biến về thanh khoản trong phiên cuối tuần trước do nhà đầu tư nước ngoài sang tay nhau khoảng 60 triệu cổ phiếu MSN, thị trường trong 2 tuần qua, nhất là tuần trước diễn biến rất ảm đạm. Dòng tiền dường như đang có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường để chờ đợi cơ hội trong thời gian tới.

Trong phiên sáng nay, diễn biến thị trường cũng không có nhiều thay đổi, vẫn là sự ảm đạm và giao dịch nhỏ giọt. Sự sụt giảm của dòng tiền khiến cả 2 sàn niêm yết đang chìm trong sắc đỏ, nhưng mức giảm cũng không quá lớn khi lực cung giá thấp cũng không đủ mạnh.

Trong khi dòng tiền đang tỏ ra dè dặt ở hầu hết các mã khác, thì QCG và HID lại là những điểm nhấn đang quan tâm.

Với QCG, sau chuỗi tăng giá ấn tượng trong 1 tháng từ giữa tháng 3 với mức tăng gần 60%, đã có 2 phiên điều chỉnh giữa tuần trước. Tuy nhiên, cổ phiếu này đã nhanh chóng hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần trước và tiếp tục nổi sóng trong phiên sáng nay.

Ngay từ đầu phiên, lực mua đã ồ ạt được đưa vào, trong khi lực cung gần như cạn kiệt, giúp QCG lên mức giá trần 7.150 đồng với dư mua giá trần hơn 0,7 triệu đơn vị và tiếp tục gia tăng, trong khi mới chỉ có 28.140 đơn vị được khớp.

Trong khi đó, HID tiếp tục có phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp lên 3.620 đồng với hơn 1 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần hơn 0,6 triệu đơn vị. Sắc tím còn xuất hiện tại HAP, VID, EMC.

Do dòng tiền chưa trở lại, nên giao dịch vẫn diễn ra khá ảm đạm. FLC là mã có thanh khoản tốt nhất với hơn 6 triệu đơn vị được khớp và đóng cửa tạm đứng ở mức 7.740 đồng, tăng 1,31%. Thanh khoản của FLC vượt xa so với các mã còn lại.

Hôm nay, FLC tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 và nhiều vấn đề thắc mắc của cổ đông như kế hoạch đầu tư, kinh doanh, giá cổ phiếu, cổ tức… đã được ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC giải đáp tại Đại hội.

Trong khi đó, “người anh em” ROS lại giảm 0,43%, xuống 162.300 đồng với 2,42 triệu đơn vị được khớp.

HAG là mã có thanh khoản tốt thứ 2 trên HOSE sáng nay với 3,67 triệu đơn vị và cũng đóng cửa tăng 2,77%, lên 8.520 đồng. HNG cũng tăng tốt 4,04%, lên 11.600 đồng với 1,2 triệu đơn vị. HHS, KBC, VHG, HAR, HAI cũng có sắc xanh, nhưng mức tăng khiêm tốn hơn và thanh khoản cũng thấp. Ngược lại, các mã như SCR, HQC, ITA, DLG, TSC lại đóng cửa trong sắc đỏ.

Trong nhóm bluechip, ngooài NVL có mức tăng tốt 0,96%, lên 73.200 đồng (có lúc tăng 2,76%) sau những thông tin tích cực về kết quả kinh doanh quý I, cũng như kế hoạch đầy tham vọng năm 2017, thị trường chỉ nhận được sự hỗ trợ thêm của VCB, CII, nhưng mức tăng của 2 mã này không lớn.

Trong khi đó, hàng loạt mã lớn khác như VNM, BID, CTG, VJC, HPG, BVH, DPM, DCM… đóng cửa trong sắc đỏ. Tuy nhiên, mức giảm cũng không mạnh, nên VN-Index vẫn giữ được ngưỡng 710 điểm.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 1,94 điểm (-0,27%), xuống 710,47 điểm với 91 mã tăng và 145 mã giảm. Thanh khoản thị trường tiếp tục đứng ở mức thấp với 67,5 triệu đơn vị, giá trị gần 1.500 tỷ đồng được chuyển nhượng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,4 triệu đơn vị, giá trị 176 tỷ đồng.

“Tân binh” mới lên sàn là PLX cũng có giao dịch khá tốt với hơn 1 triệu đơn vị được khớp. Tuy nhiên, đóng cửa, mã này quay đầu giảm nhẹ 0,61%, xuống 48.600 đồng.

Trên HNX, số mã tăng đang có phần chiêm sưu thế, nhưng sắc đỏ xuất hiện tại một số mã bluechip như ACB, SHB, LAS, VCS, VGC, CEO khiến HNX-Index không thể đảo chiều thanh công.

Chốt phiên sáng, HNX-Index giảm 0,35 điểm (-0,4%), xuống 88,52 điểm với 53 mã tăng và 83 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh chỉ 28 triệu đơn vị, giá trị 290 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận cũng chỉ có thêm 2,57 triệu đơn vị, giá trị 7 tỷ đồng.

SHB sau ít phút có sắc xanh, đã quay đầu giảm trở lại, đóng cửa ở mức 7.400 đồng, giảm 1,33% với 10,58 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu thị trường.

ACB, VCG, CEO, VGC sau ít phút cầm cự cũng không thể thoát được sắc đỏ, còn NTP, LAS, VCS giảm ngay từ đầu do lực cầu thấp.

Trái ngược với 2 sàn niêm yết, UPCoM-Index dù mở cửa trong sắc đỏ, nhưng nhanh chóng đảo chiều đi lên và giao dịch trong sắc xanh suốt thời gian còn lại của phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,12 điểm (+0,2%), lên 57,42 điểm với 30 mã tăng và 35 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 2,35 triệu đơn vị, giá trị 40,45 tỷ đồng.

Sắc xanh của UPCoM-Index có được nhờ sự hỗ trợ của SWC, VOC, SAS, NTC, SSN, trong khi các mã lớn khác như HVN, SDI, MCH, GEX đều đóng cửa trong sắc đỏ.

Trong đó, SWC là mã có thanh khoản tốt nhất với 637.400 đơn vị được chuyển nhượng, đóng cửa tăng 3,7%, lên 22.400 đồng. Đứng ở vị trí tiếp theo là HVN với 312.800 đơn vị, nhưng mức giá giảm 2,64%, xuống 25.800 đồng.

Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn