Để hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa 19 doanh nghiệp nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2015, Bộ Xây dựng đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp, xây dựng phương án cổ phần hóa và phê duyệt kinh phí cổ phần hóa hàng loạt doanh nghiệp trong ngành.

Đến nay, việc bán đấu giá công khai cổ phần lần đầu (IPO) của Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi) đã hoàn thành với kết quả bán hết 100% lượng cổ phần chào bán. Hiện Tổng công ty Licogi đang tổ chức đàm phán, bán cổ phần cho cổ đông chiến lược và người lao động.

Cũng trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA). Hoàn thành việc công bố giá trị doanh nghiệp, thẩm định phương án CPH, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH của 02 doanh nghiệp là Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1), và Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 (FiCO).

Theo phương án CPH CC1 vừa được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ, CC1 sẽ chuyển thành công ty cổ phần vào cuối năm nay. Số cổ phần phát hành lần đầu tại CC1 được xác định là 110 triệu cổ phần với mệnh giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần. Trong đó, Nhà nước sẽ nắm giữ 44 triệu cổ phần, bán ưu đãi cho cán bộ nhân viên 413,5 nghìn cổ phần, bán cho nhà đầu tư chiến lược 49,5 triệu cổ phần, và tiến hành IPO hơn 14 triệu cổ phần.

Hiện có hai nhà đầu tư chiến lược muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của CC1, đó là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc đề xuất mua 41,8 triệu cổ phần (38% vốn điều lệ) và Công ty Cổ phần Top American Việt Nam đề xuất mua 7,7 triệu cổ phần (7% vốn điều lệ). Việc bán cổ phần CC1 cho các nhà đầu tư chiến lược sẽ được thực hiện theo phương thức thỏa thuận trực tiếp trước hoặc sau IPO theo mức giá không thấp hơn giá khởi điểm.

Bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp trong ngành xây dựng cũng đang tiến hành công tác thẩm định giá trị doanh nghiệp, công bố giá trị doanh nghiệp, tiến tới phê duyệt phương án CPH doanh nghiệp như: Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA), Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Khánh Hòa, Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC), Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu Công nghiệp Việt Nam (IDICO)…

Dự kiến, trong quý 3/2015, ngành xây dựng sẽ thực hiện công bố giá trị các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, trong quý 4, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa và tổ chức bán cổ phần lần đầu.

Trong công tác thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, theo kế hoạch sẽ có 170 danh mục cần thoái vốn với tổng giá trị 5.256,4 tỷ đồng, bao gồm 159 danh mục thoái 100% vốn nhà nước và 11 danh mục thoái một phần vốn nhà nước.

Riêng trong quý 2, các doanh nghiệp ngành xây dựng đã thoái vốn thành công tại 04 danh mục với tổng giá trị đầu tư 105,3 tỷ đồng. Lũy kế đến hết quý 2/2015 đã thực hiện thoái vốn thành công tại 51 danh mục với giá trị đầu tư 1.301,9 tỷ đồng, giá trị thực tế thu về 1.325,6 tỷ đồng.

Các Tổng công ty có nhiều danh mục thoái vốn và đang tích cực thực hiện thoái vốn nhà nước như Tổng công ty Sông Đà, LILAMA, HANCORP, IDICO, COMA.

Để đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn, giải quyết những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong thời gian tới, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan thực hiện nhiều giải pháp.

Đối với công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần trong đó cho phép doanh nghiệp cổ phần hóa được giữ lại Quỹ dự phòng giảm giá các khoản nợ phải thu, dự phòng đối với khoản bảo hành công trình xây dựng khi xác định giá trị doanh nghiệp.

Thực hiện loại trừ các khoản phải thu về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp không còn khả năng thu hồi. Sử dụng lợi nhuận bình quân của 10 năm trước khi cổ phần hóa để tính lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp. Người đại diện phần vốn của công ty mẹ tại doanh nghiệp khác mà chưa được mua cổ phần ưu đãi tại doanh nghiệp đó thì được mua cổ phần ưu đãi tại công ty mẹ khi cổ phần hóa. Có hướng dẫn cụ thể hơn phương pháp định giá đối với các khoản đầu tư vào doanh nghiệp chưa niêm yết, doanh nghiệp bị sàn giao dịch hủy niêm yết phù hợp với thị trường, trình tự, thủ tục tìm kiếm, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

Nguồn: Báo xây dựng