Trái ngược với diễn biến khó lường của TTCK Thế giới thời gian gần đây, TTCK Việt Nam đã có sự tăng trưởng hết sức ấn tượng. Chỉ số VnIndex dễ dàng chinh phục lần lượt các mốc 600, 620, 630 điểm, đây vốn dĩ là các ngưỡng “tâm lý” rất khó vượt qua trong quá khứ.

Đóng góp vào đà tăng mạnh của thị trường phải kể tới sự tham gia của các cổ phiếu ngân hàng, Bluechips hay các cổ phiếu thuộc nhóm ngành bảo hiểm.

Trong những phiên giao dịch gần đây, nhóm cổ phiếu bảo hiểm đã có những giao dịch tương đối tích cực trên thị trường với mức tăng trưởng vượt trội.

Chỉ trong 7 phiên giao dịch tính từ ngày 26/6 tới 7/7, cổ phiếu BVH của Bảo Việt đã tăng 37%, BIC- Bảo hiểm BIDV tăng 19%, PVI tăng 16%, BMI- Bảo Minh tăng 14% , PTI- Bảo hiểm Bưu điện tăng 9% hay cổ phiếu PGI- Bảo hiểm Petrolimex cũng có mức tăng 4%. Có thể nói, mức tăng trưởng vượt trội của cổ phiếu bảo hiểm thời gian qua đã mang đến không ít niềm vui cho cổ đông nắm giữ.

Kết quả kinh doanh hồi phục

Theo báo cáo KQKD quý 1 được công bố, LNST của các doanh nghiệp ngành bảo hiểm nhìn chung có sự tăng trưởng tích cực dù mức độ phân hóa khá mạnh. Trong khi PVI, BIC, PGI hay PTI ghi nhận mức lãi tăng trưởng khá mạnh thì BMI chỉ tăng nhẹ, hay thậm chí ông lớn trong ngành là BVH dù vẫn ghi nhận hơn 354 tỷ đồng lợi nhuận trong quý 1/2015 nhưng đã sụt giảm 12% so với cùng kỳ 2014.

Theo đánh giá của CTCK Rồng Việt (VDSC), kể từ năm 2014, ngành Bảo hiểm đã cho thấy dấu hiệu phục hồi thể hiện qua tăng trưởng thu bảo hiểm gốc 2 con số và tỷ lệ bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại được kiểm soát tốt.

Triển vọng ngành bảo hiểm

Theo báo cáo mới đây của CTCK Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), triển vọng tăng trưởng của ngành bảo hiểm hiện nay đang được đánh giá khá cao bởi những lý do:

Ngành Bảo hiểm phục hồi cùng kinh tế Vĩ mô. Những yếu tố tích cực của nền kinh tế Việt Nam đã tạo một tiền đề thuận lợi cho sự đi lên về doanh thu của ngành bảo hiểm trong vòng 1 -2 năm tiếp theo.

Mức độ thâm nhập Bảo hiểm 2 phi nhân thọ của Việt Nam vẫn chỉ ở mức 0,7%. Theo thống kê của McKinsey, Mức độ thâm nhập bảo hiểm phi nhân thọ của các thị trường mới nổi là hơn 1% và mức độ thâm nhập bảo hiểm phi nhân thọ của các thị trường phát triển đang ở mức bão hòa là 2,3%. Như vậy, dư địa thị trường vẫn còn rất lớn.

Các hiệp định thương mại tư do được ký kết sẽ đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút nguồn FDI vào Việt Nam và qua đó làm gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm bảo hiểm như bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, tàu thủy, ôtô,…

Cải thiện hiệu suất đầu tư từ sự phục hồi của TTCK sẽ kéo theo sự tăng giá của các cổ phiếu trong danh mục của các công ty bảo hiểm và sự thay đổi trong cơ cấu theo hướng gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nhằm cải thiện hiệu suất đầu tư.

Giai đoạn tăng giá của cổ phiếu bảo hiểm có thể đến trong thời gian tới: Ngành Bảo hiểm phi nhân thọ nhạy cảm với chu kỳ của nền kinh tế, đây cũng là nhóm ngành cuối cùng trong Phân ngành Tài chính chưa phục hồi mạnh mẽ như nhóm cổ phiếu ngành Ngân hàng, chứng khoán và BĐS.

Nới room, yếu tố quan trọng khiến cổ phiếu bảo hiểm tăng mạnh?

Sau nhiều đồn đoán trên thị trường, tối ngày 26/6/2015, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Theo nghị định, hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực đều được nới room tối đa 100%, ngoại trừ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%.

Mặc dù chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể về việc những nhóm ngành nào sẽ được nới room tối đa 100%, nhưng việc chính thức ra nghị định đã khiến giao dịch trên thị trường, đặc biệt tại các cổ phiếu Bluechips, cổ phiếu kín room trở nên sôi động hơn rất nhiều.

Hiện tại, ngành bảo hiểm đang thu hút sự quan tâm khá lớn từ khối ngoại. Trong các cổ phiếu đang niêm yết trên thị trường thì PVI và BMI đang được khối ngoại sở hữu khá lớn với tỷ lệ lần lượt là 48,66% và 42,09%.

Một điều đáng chú ý là tại hội nghị xúc tiến đầu tư diễn ra tại New York - Mỹ mới đây, bộ trưởng bộ tài chính Đinh Tiến Dũng đã cho biết: “Hướng dẫn của Nghị định 60 sẽ rất nhanh, chúng tôi sẽ làm trong vòng tháng 7. Không những các công ty niêm yết, kể cả các công ty bảo hiểm cũng sẽ được nới room đến 100%”.

Như vậy, theo những “bật mí” đến từ người đứng đầu ngành tài chính, nhiều khả năng nhóm cổ phiếu bảo hiểm sẽ được nới room lên 100%.

Bên cạnh những triển vọng tích cực của ngành bảo hiểm trong những năm tới thì kỳ vọng của giới đầu tư vào việc nới room có lẽ là nguyên nhân quan trọng khiến cổ phiếu bảo hiểm đang "nổi sóng" trên thị trường.

Nguồn: Trí thức trẻ