Tại Hội thảo “Ngành thép và thị trường chứng khoán Việt Nam 2017”, ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Công thương (VietinbankSC) cho biết, trong năm 2016, thị trường chứng khoán cũng đã chứng kiến sự bùng nổ của các doanh nghiệp ngành Thép. Biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp trong ngành Thép nhìn chung đều cho thấy xu hướng tăng. Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế một số doanh nghiệp nổi bật có thể kể đến như: HPG (89%), HSG (131%), VGS (78%), DNY (138%), NKG (312%). Nhìn chung, năm 2016, doanh nghiệp toàn ngành đều có sự phục hồi rõ rệt khi lợi nhuận đều tăng trưởng cao so với năm 2015.
 
Ông Đăng cho biết thêm, xét về các chỉ số sinh lời, cổ phiếu HPG và HSG vẫn là những doanh nghiệp đầu ngành, đi đầu về tỷ suất lợi nhuận. Trong khi đó, NKG và SMC lại có tỷ lệ ROE cao nhất. Trong 6 tháng trở lại đây, đa số các cổ phiếu ngành Thép đều có diễn biến tốt hơn VN-Index. Các chỉ số P/E trung bình ngành chỉ ở mức 6,1 lần, thấp hơn nhiều so với P/E chung của thị trường (12-13 lần). Vì vậy, cơ hội đầu tư vẫn có thể tìm được ở những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ổn định, phát triển vững như HPG, HSG, VGS…
 
TS. Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng nhận định, năm 2017, dự báo ngành Thép vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt tại nhiều lĩnh vực sản xuất gang (4,5 triệu tấn, tăng 80% theo năm), phôi (11,5 triệu tấn, tăng 47,2% theo năm), thép thành phẩm (19,97 triệu tấn, tăng 12% theo năm). Bên cạnh đó, thâm hụt thương mại cán cân thương mại ngành Thép cũng sẽ giảm do Formosa đi vào hoạt động sẽ cung cấp ra thị trường thép cây và thép cuộn cán nóng (HRC).
 
Về dự báo giá, ông Sưa chia sẻ, năm 2017, giá thép Việt Nam phụ thuộc chặt chẽ vào giá nguyên liệu và bán thành phẩm trên thế giới. Dự báo chính xác về xu hướng giá là điều rất khó, song chiều hướng chung là gia tăng, có thể không quá nhiều do đã tăng rất mạnh năm 2016.
 
“Giá một số nguyên liệu, bán thành phẩm thép nhiều khả năng sẽ đạt đỉnh vào cuối năm 2017”, ông Sưa nói.
 
Còn theo ông Khổng Phan Đức, Tổng Giám đốc VietinbankSC, nhìn chung, ngành Thép Việt Nam tuy có quy mô nhỏ, nhưng vẫn có những lợi thế cạnh tranh riêng biệt. Chi phí sản xuất thép tại Việt Nam tương đối cạnh tranh khi so với các nước trong khu vực (chỉ thua Trung Quốc). Năm 2016, ngành Thép đã xuất khẩu được 3,6 triệu tấn sản phẩm cuối cùng - đó là số liệu rất thuyết phục.
 
Tổng Giám đốc VietinbankSC phân tích thêm, tại Việt Nam, dư địa phát triển ngành Thép còn rất lớn do nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng ở các thành phố và khu vực ngoại ô. Lượng thép tiêu thụ/đầu người năm 2016 mới chỉ đạt 240 kg, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (262,7 kg), Malaysia (336,1 kg), Đài Loan (837,1) hay Nhật Bản (531,7 kg). Vấn đề của các doanh nghiệp trong ngành là nên mở rộng, khai thác điểm khuyết trong chuỗi giá trị để tạo giá trị gia tăng, ví dụ như phân khúc HRC. Hiện tại trong nước HRC phải nhập khẩu 100%. Nếu như doanh nghiệp làm ống thép có thể tiến tới sản xuất được HRC, tiềm năng tăng trưởng sẽ rất rộng mở.
 
Ở góc nhìn của doanh nghiệp, ông Lê Minh Hải, Chủ tịch HĐQT CtyCP Ống thép Việt Đức (VGS) cho hay: Năm 2017, dự kiến tăng trưởng chung toàn ngành Thép đạt 12%. Riêng với VGS, dự báo Công ty sẽ phải chạy hết công suất sản xuất ống thép để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, hiện đã chốt nguồn đầu vào, chủ động về nguyên liệu và giá để sản xuất.
 
“Về thị trường bất động sản, VGS có sản xuất thép xây dựng và chủ yếu tập trung cung cấp cho những dự án lớn. Sản lượng tiêu thụ thép của VGS đã được xây dựng dựa trên kế hoạch sản xuất kinh doanh của đối tác nên không lo bị thừa nguồn hàng”, ông Hải nói./.
Nguồn: Duy Thái/thoibaotaichinhvietnam.vn