Ngày 26/6, ngay sau khi có thông tin về việc nâng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư của VinaCapital, Giám đốc điều hành quỹ Vietnam Opportunity Fund đã có những bình luận về việc này.
"VinaCapital bình luận về việc nâng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài
Hôm nay, Bộ trưởng Tài Chính đã xác nhận rằng Nghị định sửa đổi Nghị định 58 đã được ký, trong đó đáng chú ý nhất là việc nâng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu niêm yết. Chi tiết Nghị định sắp được công bố và chúng tôi kỳ vọng giới hạn sẽ được nâng từ 49% lên 100%, trừ một số ngành đặc thù như ngân hàng.
Sau một giai đoạn khó khăn, Việt Nam đang tăng trưởng bền vững 6% và Nghị định 58 cho phép nhà đầu tư nước ngoài có những đóng góp lớn hơn cho sự phát triển trong thời gian tới. Thay đổi này đưa Việt Nam tiến gần hơn tới cam kết với WTO và sẽ giúp các cổ phiếu được chọn vào rổ chỉ số thị trường mới nổi của MSCI.
Giới hạn sở hữu cổ phiếu đối với nhà đầu tư nước ngoài là một rào cản với thị trường vốn, làm nhiều nhà đầu tư e ngại. Giới hạn đó cản trở sự tham gia của khối ngoại và làm giảm giá trị đầu tư, do đó, sẽ có thêm nhiều vốn đổ vào thị trường khi những rào cản này được gỡ bỏ.
Trên thế giới hiếm có trường hợp nào mà một thị trường non trẻ có những bước phát triển như vậy. Nam Phi là một ví dụ gần nhất nhưng cũng đã cách đây tới 20 năm và họ sở hữu một thị trường nội địa hoạt động trơn tru hơn. Ở những nơi khác, khi quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được phép vượt quá 50%, thường họ chỉ được sở hữu các cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng, hoặc cổ phiếu không có quyền biểu quyết, ví dụ như Hàn Quốc (1992-1998) và Đài Loan (1966-2005).
Nhà đầu tư có thể hy vọng gì từ việc nâng giới hạn sở hữu? Chúng tôi lưu ý tác động tới thị trường và dòng chảy vốn.
Tái xếp hạng thị trường
Việt Nam trong quá khứ đã từng bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm thanh khoản nhiều hơn so với các nước trong khu vực. Thị trường đang giao dịch ở mức 13 lần PE, với mức chiết khấu cho rủi ro thanh khoản khoảng 25-35%. Khi thị trường mở rộng, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia, điều này sẽ thu hẹp mức chiết khấu.
Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước
Khi thị trường được định giá lại và thanh khoản tăng cao, chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều Doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân tham gia thị trường. Khi Chính phủ bắt đầu loại bỏ những thứ còn dở dang trong chương trình tư nhân hóa, nhà đầu tư sẽ có rất nhiều lựa chọn thú vị, như niêm yết, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, và khả năng hợp nhất qua các thương vụ M&A, đặc biệt là tại những ngành phát triển nhanh như Thực phẩm, bất động sản, cơ sở hạ tầng. Sẽ có những ngành được Chính phủ coi là chiến lược và không để mất quyền kiểm soát, như ngân hàng, viễn thông, hàng không và quốc phòng. Tuy nhiên, với thông tin Chính phủ muốn giảm một nửa số nhà băng vào năm 2017, chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiều cơ hội đầu tư tại ngành ngân hàng.
Một ví dụ về ngành bị hạn chế đầu tư, là Mobifone, nhà điều hành điện thoại di động lớn thứ 2 tính trên doanh thu 10 năm qua. Mobifone nằm trong ngành bị hạn chế và được Thủ tướng giao nhiệm vụ đến tháng 6/2016 phải cổ phần hóa. Công ty có doanh thu 2 tỷ USD trong năm 2014, và được định giá khoảng 3-3,5 tỷ USD.
Sự phát triển của một thị trường chứng khoán toàn diện
Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại là 60 tỷ USD, với thanh khoản hàng ngày đạt 100 triệu USD, trong đó khối ngoại chỉ chiếm dưới 15% do bị hạn chế sở hữu. Có 26 công ty hiện đã hết room dành cho khối ngoại, với tổng giá trị vốn hóa là 10,2 tỷ USD, chiếm 17% tổng vốn hóa thị trường. Việc thị trường thiếu chiều sâu, nhà đầu tư nội áp đảo so với nhà đầu tư ngoại cùng mức vay ký quỹ cao, là nguyên nhân khiến thị trường biến động rất mạnh. Khi nhà đầu tư nước ngoài rót thêm vốn và thị trường có thêm những cổ phiếu mới, sự biến động này sẽ giảm đi.
Điểm mấu chốt để được đưa vào danh mục thị trường mới nổi của MSCI là có thị trường vốn mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài. Việc sửa đổi Nghị định 58 sẽ giúp các cổ phiếu Việt Nam đủ tiêu chuẩn để vào MSCI. Với việc quỹ thị trường mới nổi MSCI thu hút 1.400 tỷ USD, các cổ phiếu được chọn sẽ có tiềm năng tăng 15-20%.
Kết luận
Nghị định sửa đổi Nghị định 58 là một bước phát triển thú vị và rất quan trọng vì nó giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tăng tính cạnh tranh, tiếp cận và thân thiện. Ngoài ra, thị trường sẽ hưởng lợi từ việc tái đánh giá và rót vốn của các quỹ đầu tư toàn cầu. Khoảng cách về thanh khoản sẽ được thu hẹp, thị trường sẽ ổn định hơn và các chương trình cổ phần hóa sẽ khiến thị trường có chiều sâu.
Về dài hạn, Việt Nam sẽ là ứng cử viên hàng đầu để được lựa chọn vào quỹ thị trường mới nổi của MSCI. VinaCapital tin tưởng việc nâng giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn nhất trong số các thị trường cận biên châu Á."