Một thế hệ tiếp theo trong câu chuyện tăng vốn và lãi khủng đang xuất hiện sau sự thành công của nhiều doanh nghiệp trước đó. Phải chăng các doanh nghiệp này đang chạy đua với thời gian khi mà Nghị định 60 sắp có hiệu lực sẽ có những quy định hết sức chặt chẽ vấn đề này?

Thế hệ mới…

Câu chuyện phát hành tăng vốn là vấn đề quen thuộc trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt trong thời gian qua là sự xuất hiện của những thương vụ có sự thổi phồng quy mô rất lớn. Nhà đầu tư chắc hẳn chưa quên câu chuyện phát hành của FIT, TSC, KLF, HAI…

Điểm chung của các đợt phát hành khủng này là cổ đông, nhà đầu tư được HĐQT doanh nghiệp “vẽ” ra một viễn cảnh hết sức xán lạn với con số lợi nhuận đột biến từ các dự án “tầm cỡ”, cổ tức theo đó cũng tăng vọt trở thành một thứ “mê hoặc”.

Tất nhiên mọi thứ diễn ra hoàn hảo sau đó, ví như FIT từ vốn gần 158 tỷ đồng năm 2013 đang cố “bành trướng” để đạt 3,000 tỷ (hiện đã là 1,792 tỷ). Bên cạnh đó có thể thấy lợi nhuận FIT cũng được đưa ra ở một con số cao với lãi trước thuế 2015 gấp đôi năm 2014, ở mức 376 tỷ đồng.

Liên quan đến FIT không thể không nhắc đến TSC. Sau thương vụ FIT mua 47% vốn TSC với giá khá hời vào khoảng tháng 6/2014 không lâu, TSC cũng chính thức bước vào “cuộc chơi” phát hành khủng. Từ vốn 271 tỷ đồng cuối năm 2014, TSC đã nâng lên 738 tỷ thông qua phát hành gần 47 triệu cp cho cổ đông hiện hữu và đối tác chiến lược (FIT).

Hiện tại, TSC tiếp tục đăng ký phát hành gần 74 triệu cp cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1. Nếu thành công, vốn TSC sẽ xấp xỉ 1,500 tỷ đồng. Cũng phải nói thêm, từ khi được FIT tiếp quản, kết quả kinh doanh TSC “lột xác” hoàn toàn, từ việc thua lỗ đã tức thì lãi lớn. Năm 2015, TSC đặt kế hoạch kinh doanh khá tham vọng với hầu hết các mảng kinh doanh tăng trưởng gần như gấp đôi so với năm 2014.

Đó chỉ là hai trong số nhiều minh chứng cho câu chuyện hút vốn từ thị trường chứng khoán thành công. Rồi cho đến hiện tại, thế hệ ấy tiếp tục được nhân rộng với kịch bản tương tự: tăng vốn khủng và lãi ngất ngưỡng… Theo đó, phải kể đến những đơn vị tiêu biểu như SHN, ADM, FID…

Trong số những cái tên đó, SHN ấn tượng nhất theo kiểu “vịt hóa thiên nga”, từ một doanh nghiệp còn sa lầy trong vũng bùn với kết quả kinh doanh bết bát đã “thoát xác” trở thành ông lớn đúng nghĩa. Cụ thể, kết thúc quý 2, SHN ghi nhận lãi ròng đạt 48.4 tỷ đồng, tăng đột biến so với khoản lỗ ròng hơn 2 tỷ đồng cùng kỳ 2014 và so với những quý liền kề gần đây thì cũng hết sức tích cực.

Tất nhiên, đằng sau sự bứt phá ấy là sự xuất hiện của Tập đoàn Geleximco. Tập đoàn này cho biết đã chuẩn bị “nguồn lực” để hỗ trợ SHN có thể đạt được mức lợi nhuận từ 50 – 60 tỷ/tháng.

Kết quả này được cho là cơ sở để củng cố tính khả thi cho việc phát hành 95 triệu cp của SHN trong thời gian tới. Nó mang ý nghĩa rằng người ta mua cổ phần SHN phát hành thêm là mua “cái tiếng” của Geleximco chứ không phải mua SHN, SHN giờ chỉ còn là cái vỏ không hơn không kém. Trong khi đó ruột mới là Tập đoàn đầu tư An Bình (thành viên của Geleximco sẽ thực hiện nhập về SHN thông qua hoán đổi cổ phiếu) “chất lượng” đến đâu vẫn là một ẩn số với đại đa số nhà đầu tư.

Đồng thời, nhóm Geleximco cũng dự kiến gom về được một lượng vốn lớn nhờ “lên sàn cửa sau”.

Thế còn AMD và FID thì sao? Cả hai đều có một “ma trận” kinh doanh tương tự nhau là đầu tư đa ngành. Cả hai sẽ đẩy mạnh đầu tư vào công ty con, liên kết liên doanh bằng hình thức huy động vốn từ phát hành thêm. Nếu FID lên kế hoạch tăng vốn 300 tỷ lên trong năm nay và đến 2017 là 1,500 tỷ thì AMD cũng không thua kém khi dự kiến tăng gấp đôi lên hơn 600 tỷ đồng (năm 2014 từ 10 tỷ lên 300 tỷ).

Song song đó, cả FID và AMD đều đưa ra kế hoạch kinh doanh khủng trong năm 2015.

Chạy đua với thời gian?

Trong khi các doanh nghiệp đang bắt đầu phát huy tối đa “vai trò” huy động vốn trên sàn chứng khoán một cách quá rầm rộ nếu không muốn nói là lạm dụng thì Nghị định 60 sắp có hiệu lực tới đây (từ 01/09/2015) được xem như một “chiếc van” siết chặt lại việc này.

Đối với việc phát hành ra công chúng, Nghị định 60 siết chặt vấn đề về sử dụng vốn sau phát hành. Theo đó, HĐQT chỉ được thay đổi khi có sự đồng ý của ĐHĐCĐ (trường hợp được ĐHĐCĐ ủy quyền việc thay đổi sử dụng vốn thì quyết định của HĐQT phải báo cáo Đại hội gần nhất).

Trong trường hợp sử dụng vốn để thực hiện dự án đầu tư, định kỳ 6 tháng cho đến khi hoàn thành dự án hay khi giải ngân hết phải báo cáo Ủy bán Chứng khoán Nhà nước. Tổ chức phát hành cũng phải báo cáo sử dụng vốn được kiểm toán xác nhận tại ĐHĐCĐ hoặc thuyết minh chi tiết về việc sử dụng vốn trong BCTC năm đã được kiểm toán.

Ngoài ra, đối tượng phát hành riêng lẻ, hoán đổi, cấn trừ nợ cũng sẽ có những quy định chặt chẽ hơn. Cụ thể, phương pháp xác định và tỷ lệ hoán đổi cần có ý kiến kiểm toán thông qua hoặc CTCK có chức năng thẩm định giá độc lập.

Các khoản nợ này phải được trình bày trong BCTC kiểm toán gần nhất. Hay trường hợp phát hành cổ phiếu hoán đổi thì BCTC của công ty góp vốn phải được kiểm toán với ý kiến chấp thuận toàn bộ.

Đặc biệt, đối tượng phát hành cũng sẽ bị hủy niêm yết nếu không đáp ứng điều kiện sau khi thực hiện chào bán, phát hành từ 50% trở lên số lượng cổ phiếu đang lưu hành để hoán đổi cổ phiếu, vốn góp tại doanh nghiệp khác.

Từ những ràng buộc trên, có thể nói quy định này nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn tính thực thi hiệu quả của việc phát hành, tránh việc trục lợi “in giấy lấy tiền” từ thị trường chứng khoán nhằm phục vụ những mục đích riêng của ban lãnh đạo. Ngoài ra, quy định cũng ngăn cản việc phát hành hoán đổi cổ phiếu, hoán đổi nợ giữa các công ty liên quan - nơi mà “chủ nợ” và "con nợ” gần như là một.

Rủi ro gì cho thị trường?

Trở lại với thế hệ phát hành tăng vốn và lãi khủng đã đề cập ở trên, đứng trên góc độ doanh nghiệp, điều đó sẽ hấp dẫn cổ đông tham gia mua cổ phần phát hành mới. Đầu tiên sẽ là sự khởi đầu từ kết quả kinh doanh đột biến, rồi đến hàng loạt dự án tốt được “vẽ” ra.

Tuy nhiên, việc tham gia mua cổ phần phát hành thêm hiện nay không được chuyên gia khuyến khích. Theo ông Trần Minh Hoàng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược thị trường CTCK Vietcombank (VCBS) cho biết, trừ trường hợp nhà đầu tư nắm rất rõ doanh nghiệp và tin tưởng vào tiềm năng của dự án trong dài hạn thì mới nên tham gia mua vào (trước khi phát hành).

Còn ở góc độ thị trường, việc phát hành quá nhanh và nhiều dễ trở thành một trong những rủi ro như đã từng xảy ra trong giai đoạn 2010-2011.

Thống kê vào năm 2010, lượng cổ phiếu được niêm yết bổ sung (trên cả hai sàn) lên tới 4.18 tỷ cổ phiếu, bằng 40% tổng lượng cổ phiếu niêm yết năm 2009 là 10.2 tỷ cổ phiếu, và chiếm đến 27% lượng cổ phiếu niêm yết toàn thị trường. Năm 2011 có thêm hơn 3 tỷ cổ phiếu niêm yết mới. Kết quả giai đoạn 2010 – 2011 ai cũng thấy rõ là thị trường đã sụt giảm đáng kể, VN-Index từ trên 520 điểm đã giảm về dưới 340 điểm vào cuối năm 2011.

Cho đến hiện tại, một lần nữa, cổ đông, nhà đầu tư lại bắt đầu lo ngại hiện tượng doanh nghiệp “in giấy lấy tiền” đang xuất hiện trở lại. Bên cạnh đó, các nỗi lo về hiệu quả sử dụng vốn hay khả năng dòng tiền bị hao hụt cũng đang trở lại. Hệ quả của những mối quan ngại đó chính là rủi ro cho xu hướng thị trường chứng khoán hiện nay.

Như theo nhận định của ông Nguyễn Hữu Bình - Trưởng phòng Phân tích CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS): “Một điểm quan trọng trong giai đoạn hiện nay chính là sự phát hành quá nhanh và nhiều của doanh nghiệp đã làm cho cổ phiếu không thể tăng giá”.

Theo Sanh Tín
Vietstock

Nguồn: Vietstock