Chỉ số chứng khoán MSCI toàn cầu năm 2019 tăng 24% - nhiều nhất kể từ 2009, kết thúc năm ở 56,24. Tính chung trong 10 năm (2010-2019), MSCI toàn cầu tăng 104%. Chỉ số STOXX 600 của Châu Âu tăng khoảng 23% trong năm 2019.
Các tài sản khác cũng có một năm đáng chú ý. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm hơn 0,8%. Lợi suất và giá trái phiếu thường diễn biến ngược chiều.
Bước đột phá trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung và cuộc tổng tuyển cử ở Anh vào đầu tháng 12/2019 với kết quả ông Boris Johnson thắng lớn với đa số áp đảo sau khi đảng Bảo thủ thắng đảng Lao động ở khu vực bầu cử truyền thống báo hiệu việc nước Anh rời EU sẽ suôn sẻ đã khích lệ tâm lý các nhà đầu tư trên toàn cầu, nhất là vào những tuần cuối năm 2019.
Chứng khoán Mỹ
Sau năm 2018 giảm điểm mạnh nhất kể từ Đại suy thoái 2008 – 2009, khiến Phố Wall có năm giảm đầu tiên trong 3 năm, thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng trưởng ‘bùng nổ’ trong năm 2019, trong đó cổ phiếu các công ty công nghệ hàng đầu có vốn hóa tăng mạnh nhất. Cụ thể, chỉ số tham chiếu của thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng 28%, cao hơn mức tăng bình quân 12,8% trong năm cầm quyền thứ ba của các Tổng thống Mỹ trước đây.
Bất chấp những biến động mà thương chiến Mỹ-Trung gây ra, năm 2019 chững kiến cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ liên tục lập kỷ lục. S&P 500 lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua ngưỡng 3.200 điểm, tính chung cả năm 2019 tăng khoảng 29% - nhiều nhất kể từ 2013; Nasdaq cũng lần đầu cán mốc 9.000 điểm và là chỉ số tăng nhiều nhất trong số 3 chỉ số chính của Phố Wall với mức tăng 36% trong năm 2019; trong khi đó Dow Jones tăng gần 23%, có năm tốt nhất 2 năm.
Chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 50% kể từ khi ông Trump đắc cử Tổng thống, cao hơn gấp đôi so với mức tăng bình quân 23% trong 3 năm đầu cầm quyền của các Tổng thống Mỹ tiền nhiệm.
10 công ty Mỹ có vốn hóa tăng mạnh nhất trong năm 2010 đã chứng kiến sự bổ sung thêm tổng giá trị gần 2.000 tỷ USD. Cổ phiếu Apple vừa có một năm bùng nổ với vốn hoá tăng thêm 497 tỷ USD, lên gần 1.250 tỷ USD. Trong nửa cuối 2019, cổ phiếu này nhiều lần lập kỷ lục mới. Năm 2019, Apple ăn nên làm ra và có những bước đi đầu tiên trong cuộc đua cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến với Apple TV+. Microsoft là cổ phiếu Apple tăng giá mạnh thứ hai trên phố Wall khi đạt vốn hoá 1.190 tỷ USD, tăng thêm 408 tỷ USD so với đầu năm. Gã công nghệ khổng lồ này theo sát nút Apple trong cuộc đua giành danh hiệu công ty giá trị nhất thế giới. Google vẫn tiếp tục thống lĩnh thị trường công cụ tìm kiếm và quảng cáo số, bên cạnh việc mở rộng sang các lĩnh vực khác như trí tuệ nhân tạo và ôtô tự lái. Năm qua, vốn hoá của công ty này tăng thêm 214 tỷ USD lên gần 934 tỷ USD. Facebook tiếp tục tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ khi thu hút thêm nhiều người dùng mới vào nền tảng cốt lõi cũng như các dịch vụ như Instagram và WhatsApp, bất chấp việc bị siết chặt quản lý. So với đầu năm 2019, vốn hoá của công ty này đã tăng thêm 213 tỷ USD, lên gần 587 tỷ USD. Vốn hoá của hãng thương mại điện tử khổng lồ Amazon đã tăng thêm gần 150 tỷ USD lên 887 tỷ USD trong năm 2019, nhờ tăng trưởng mạnh mẽ trong mảng điện toán đám mây (Amazon Web Services) và quảng cáo. Năm 2019 là năm khởi sắc với nhiều hãng dịch vụ tài chính. Trong đó, Visa có vốn hoá tăng thêm 115 tỷ USD lên hơn 400 tỷ USD. Trong quý 3, cổ phiếu của J.P. Morgan Chase tăng lên mức cao kỷ lục sau báo cáo tài chính vượt dự báo của các nhà phân tích. Tính cả năm, vốn hoá của ngân hàng này đã tăng thêm 111 tỷ USD lên hơn 430 tỷ USD. Cũng như Visa, hãng thẻ Mastercard có một năm khởi sắc với vốn hoá tăng thêm 106 tỷ USD lên hơn 296 tỷ USD. Năm 2019, Disney có sự kiện bước ngoặt khi ra mắt dịch vụ phát video trực tuyến Disney+ gặt hái được thành công lớn. Vốn hoá của hãng này đã tăng thêm 100 tỷ USD lên hơn 260 tỷ USD. Năm 2019, vốn hoá của hãng sản phẩm tiêu dùng Procter & Gamble tăng thêm 82 tỷ USD lên 312 tỷ USD sau công cuộc cải tổ, cắt giảm chi phí và củng cố các thương hiệu của mình.
Giữa bối cảnh hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp trên toàn cầu sụt giảm trong năm 2019 do lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của thương chiến Mỹ-Trung đối với tăng trưởng kinh tế thế giới, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ vẫn đủ niềm tin để rót tiền vào cổ phiếu. Tuy nhiên, năm 2019 cũng chứng kiến sự biến động rất mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ do chịu tác động chủ yếu từ 2 yếu tố là cuộc chiến thương mại và chính sách của Fed.
Cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump trong chính sách thương mại, bao gồm thuế và đe dọa, là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến nhà đầu tư và tâm lý doanh nghiệp. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là tiêu điểm, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục áp thuế lên hàng hóa của nhau, các cuộc đàm phán hứa hẹn giải quyết được vấn đề lại chỉ làm tăng căng thẳng.
Phố Wall biến động theo các tin tức liên quan, tạo ra các đợt tăng giảm lớn nhất năm
Tháng 8 là tháng đặc biệt bất ổn và các thông tin từ Nhà Trắng không giúp được gì. Ngày 23/8 là một ví dụ. Phố Wall có ngày biến động mạnh nhất năm, trong bối cảnh Trung Quốc áp thuế đáp trả và ông Trump đăng trên Twitter rằng “chúng ta không cần Trung Quốc và, thành thật mà nói, còn tốt hơn nhiều nếu không có họ”.
Giá cổ phiếu ở Phố Wall năm 2019 nhận được cú huých quan trọng từ ba lần cắt giảm lãi suất Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) - đợt giảm lãi suất đầu tiên của ngân hàng trung ương này kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy vậy, ông Trump vẫn chỉ trích FED và Chủ tịch FED Jerome Powell, cho rằng FED lẽ ra phải giảm lãi suất về ngưỡng âm.
Fed năm 2019 thay đổi quan điểm, sau khi tăng lãi suất trong năm 2018 với lý do kinh tế Mỹ đã phục hồi từ Đại suy thoái. Đến tháng 7, Fed lo ngại về triển vọng kinh tế và bắt đầu hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng, chuyển hướng khỏi lộ trình chính sách đưa ra trước đó.
Lãi suất thấp hơn có lợi cho các doanh nghiệp, tốt cho thị trường chứng khoán. Fed nới lỏng chính sách tiền tệ là nền tảng tốt để Phố Wall tăng phần lớn phiên giao dịch năm 2019, đối trọng với tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và xu hướng tăng trưởng giảm tốc trên thế giới.
Các thị trường mới nổi
Tại các thị trường mới nổi, mặc dù tăng trưởng mạnh mẽ ở đầu thập kỷ (năm 2010) nhưng chứng khoán của các thị trường này tăng kém hơn so với các thị trường khác trong những năm tiếp theo do một số sự kiện như: bán tháo cổ phiếu ở Trung Quốc, khủng hoảng nợ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina, và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Chỉ số chứng khoán MSCI của các thị trường mới nổi trong thập kỷ vừa qua tăng 15%. Thái Lan, Philippines và Đài Loan (Trung Quốc) dẫn đầu trong số các thị trường chứng khoán của các nền kinh tế mới nổi, với mức tăng trưởng hơn 50% trong vòng 10 năm; trong khi đó chứng khoán Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và CH Séc mất điểm.
Trong 10 năm qua, dòng chảy đầu tư nước ngoài vào các thị trường mới nổi cũng có nhiều lúc thăng trầm khi các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại về sự gia tăng rủi ro, bao gồm cả giai đoạn Mỹ tăng lãi suất trong khi các ngân hàng trung ương lớn khác thì hạ lãi suất để kích thích kinh tế thời kỳ hậu khủng hoảng.
Kết quả theo dõi lợi nhuận của 4402 doanh nghiệp của các nền kinh tế mới nổi cho thấy, lợi nhuận của các doanh nghiệp này đã tăng 40% trong năm 2010 nhưng sau đó tăng chậm dần lại do một số yếu tố như giá hàng hóa giảm, nhu cầu đối với sản phẩm công nghệ tăng chậm dần và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Phân tích cho thấy tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp của các nền kinh tế mới nổi thấp hơn so với các nền kinh tế phát triển trong thập kỷ qua. Trogng đó, các công ty Trung Quốc, Mexico và Thái Lan có mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình cao nhất, từ 10% trở lên trong 10 năm qua; còn Hungary, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ có mức tăng trưởng trung bình âm.
Mức nợ doanh nghiệp của các nền kinh tế mới nổi trong thập kỷ vừa qua đã chậm lại do nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của họ yếu đi.
Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương
Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương tháng 12/2019 tăng vượt trội so với các khu vực khác do nhà đầu tư mua mạnh sau khi mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được cải thiện đáng kể.
Chỉ số MSCI Châu Á – TBD đã tăng 4,2% trong tháng 12/2019, so với mức tăng 3,4% của chỉ số MSCI toàn cầu trong cùng kỳ.
Tuy nhiên, trong cả năm 2019 cũng như trong một thập kỷ qua, chỉ số MSCI Châu Á – TBD lại tăng thấp nhất hơn so với mức tăng của chứng khoán toàn cầu. Cụ thể, MSCI Châu Á – Thái Bình Dương năm năm 2019 tăng khoảng 16%, trong khi MSCI toàn cầu tăng 24%.
Chứng khoán New Zealand dẫn đầu về mức tăng trưởng trong cả năm 2019 cũng như trong thập kỷ quà qua. Nếu tính theo USD, chỉ số chứng khoán New Zealand tăng 30,8% trong năm 2019 và tăng 231% trong vòng một thập kỷ.
Việc Mỹ-Trung đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, cộng thêm bấp bênh giảm xuống quanh tiến trình Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã giúp chứng khoán toàn cầu, trong đó có khu vực châu Á tăng mạnh trong tháng 12.
Tính chung trong năm 2019, chứng khoán Nhật Bản tăng trưởng mạnh thứ nhì ở khu vực Châu Á. Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 tăng 18,2%, đảo ngược cú giảm 12,8% trong năm 2018. Chỉ số tăng mạnh nhất là Shanghai Composite Index của Trung Quốc đại lục với mức tăng 21%. Hang Seng Index của chứng khoán Hồng Kông đã tăng 9,9% năm 2019, trong khi Kospi của chứng khoán Hàn Quốc tăng 8%.
Đầu tháng 12/2019, Nikkei 225 đạt đỉnh của năm 2019 sau khi Chính phủ Nhật Bản công bố một gói kích cầu khổng lồ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung lắng dịu cũng giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư chứng khoán Nhật.

Nguồn: VITIC