Sau 3 phiên giảm liên tiếp, thị trường đã phục hồi nhẹ trở lại trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn tỏ ra dè dặt khiến đà phục hồi gặp nhiều khó khăn.

Trong tuần trước, với những thông tin bất lợi bên ngoài, nhất là những căng thẳng địa chính trị gia tăng ở bán đảo Triều Tiên, Trung Đông, khiến thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt giảm, kéo theo chứng khoán trong nước cũng bị ảnh hưởng.

Dù cũng có nhiều lúc nỗ lực phục hồi, nhưng do dòng tiền thận trọng, khiến thị trường có 3 phiên giảm điểm liên tiếp cuối tuần cùng thanh khoản sụt giảm.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK HSC cho biết, VN-Index sẽ điều chỉnh tạo đáy tuần này, dù hồi phục ở các phiên đầu tuần, nhưng sẽ điều chỉnh nhẹ xuống.

Trong khi đó, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK MBKE lại cho rằng, đầu tuần, thị trường có thể vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực từ các thông tin tuần trước, nhưng sẽ ổn định hơn vào cuối tuần.

Có cái nhìn lạc quan hơn, ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Đầu tư CTCK IVS nhận định, VN-Index được kỳ vọng sẽ giao dịch trong vùng 730-750 điểm, nhưng thị trường sẽ không còn dễ dàng.

Đúng như nhận định của các chuyên gia, thị trường đã hồi phục nhẹ khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới lấy lại được ngưỡng 720 điểm. Tuy nhiên, đà tăng không thực sự vững chắc khi tâm lý nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng. Dù số mã tăng áp đảo trên bảng điện tử, nhưng biên độ tăng của các mã không quá mạnh. VN-Index  phục hồi chủ yếu nhờ vào một số mã lớn như GAS, VIC, MSN, SAB, VNM. Tuy nhiên, lực cản lại đến từ một số mã lớn khác như VCB, BHN, BVH, NVL, ROS, HPG, BID.

Hôm nay cả Vietinbank (CTG) và GAS đều tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên với nhiều nội dụng quan trọng dự kiến sẽ được trình bày và thông qua. Hiện cả 2 mã này đều đang có sắc xanh trên sàn, nhưng đà tăng không mạnh khi nhà đầu tư đang thận trọng theo dõi diễn biến của đại hội.

Trong khi đó, QCG lại vẫn âm thầm tạo sóng khi tiếp tục có phiên tăng trần, lên ngưỡng 7.090 đồng với tổng khớp 424.000 đơn vị, nhưng không xuất hiện dư mua trần. Về cuối phiên, lực cung gia tăng khiến QCG không thể có phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, nếu tính trong 1 tháng qua, QCG đã tăng tới 68,2%, từ mức giá tham chiếu của phiên 17/3 là 4.210 đồng, lên mức giá 7.080 đồng hiện nay. Chốt phiên sáng nay, QCG được khớp hơn nửa triệu đơn vị.

Một mã nóng khác trong thời gian qua là PDR đã hạ nhiệt. Trong phiên sáng nay, PDR tiếp tục giảm 1,82% với hơn 140.000 đơn vị được khớp. Trước khi có phiên điều chỉnh giảm hơn 3,3% trong phiên cuối tuần trước, PDR đã có chuỗi tăng ấn tượng với mức tăng hơn 82% trong vòng 1 tháng.

Trở lại với diễn biến chung của thị trường, đà tăng của cả 2 chỉ số chính bị chặn lại và cả 2 đã bắt đầu có dấu hiệu đảo chiều lùi về gần mức tham chiếu.

Trong các mã thị trường, giao dịch cũng không quá sôi động như trước đó khi mã có tổng khớp tốt nhất là OGC và FLC cũng chỉ khớp hơn 6,67 triệu và 6,3 triệu đơn vị, trong đó OGC đóng cửa giảm 4,96%, xuống 1.210 đồng, còn FLC tăng 1,85%, lên 7.720 đồng.

Sau khi bị đẩy về sát mức tham chiếu, VN-Index bật nhẹ trở lại khi VNM, GAS duy trì được tăng vững, SAB lên mức cao nhất phiên, ROS đảo chiều tăng trở lại. Tuy nhiên, ngưỡng 720 điểm vẫn chưa thể lấy lại.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 0,85 điểm (+0,12%), lên 719,3 điểm với 128 mã tăng và 102 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 77,75 triệu đơn vị, giá trị 1.520 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,56 triệu đơn vị, giá trị 73 tỷ đồng.

Trên HNX, chỉ số HNX-Index cũng có diễn biến tương tự VN-Index, thậm chí chỉ số này đã lùi xuống dưới tham chiếu trước khi lấy lại sắc xanh.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,1 điểm (+0,12%), lên 89,74 điểm với 73 mã tăng và 71 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 26,77 triệu đơn vị, giá trị 300 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận khá trầm lắng.

Trên HNX, ngoài OGC và FLC, các mã thị trường khác cũng có giao dịch trầm lắng hơn trước đó khi đều được khớp dưới 4,5 triệu đơn vị, nhưng đều đóng cửa với sắc xanh, như ITA tăng 3,35%, HQC tăng 0,83%, SCR tăng 2,1%...

Trong khi VNM, GAS, SAB, ROS MSN, CTG là lực đỡ chính cho thị trường, thì VCB, BID, VJC, NVL, BVH, BHN, HPG lại là những lực cản lớn trên con đường hồi phục của VN-Index.

Trong khi QCG không giữ được sắc tím, thì DHM lại đóng cửa ở mức trần 7.010 đồng với 1,41 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần. Trong khi đó, trái ngược lại, HID lại giảm sàn về 2.920 đồng với 1,65 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn. Cũng có mức tăng trần tốt còn có VID, LGL, TMT.

Trên HNX, việc ACB và VCG chính là lực đỡ chính, giúp HNX-Index giữ được sắc xanh. Trong khi đó, SHB vẫn giảm nhẹ 1,32%, xuống 7.500 đồng với 5,63 triệu đơn vị được khớp, lớn nhất sàn HNX.

Một mã đáng chú ý khác trên HNX là HKB duy trì mức giá trần 6.600 đồng với hơn 1,5 triệu đơn vị được khớp, nhưng không xuất hiện dư mua giá trần.

Trên UPCoM, chỉ số trên sàn này cũng giằng co quanh tham chiếu, nhưng nhờ sự hỗ trợ của HVN, GEX, VOC, SDI, ACV…, nên cũng đóng cửa với sắc xanh nhạt khi tăng 0,11 điểm (+0,19%), lên 57,31 điểm với 36 mã tăng và 43 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1,8 triệu đơn vị, giá trị 30,2 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có thêm 1,93 triệu đơn vị, giá trị 25,92 tỷ đồng được chuyển nhượng trong phiên thỏa thuận.

Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn