Điểm nhấn nằm ở mã nhỏ khi HQC nằm sàn thứ 3 liên tiếp, còn KLF - đang được coi như "ROS mới" và DST tiếp tục "bùng nổ" với 10 phiên tăng trần.

Trong bối cảnh sức ép đang trở lại với nhóm cổ phiếu lớn, thì nhóm cổ phiếu dầu khí với thông tin hỗ trợ tích cực đang trở thành trụ đỡ chính của thị trường.

Lực đỡ này tiếp tục được thể hiện trong phiên giao dịch sáng nay, khi các chỉ số đều tăng ngay khi mở cửa, với sắc xanh trải rộng tại nhóm cổ phiếu dầu khí. Tuy nhiên, sắc xanh này không duy trì được lâu khi áp lực bán gia tăng mạnh và trên diện khá rộng, trong đó nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chịu sức ép lớn nhất.

Các mã VNM, VIC, VCB, MSN, BID, BVH,… đều đồng loạt giảm điểm, nên dù MWG, HPG… hay nhóm cổ phiếu dầu khí với GAS, PVD, PVT… vẫn đăng duy trì đà tăng, cũng chỉ giúp chỉ số hãm bớt đà giảm.

Dần về cuối phiên, áp lực bán được gia tăng khiến VN-Index tiếp tục lùi gần về mốc 660 điểm. Được đánh giá là ngưỡng hỗ trợ mạnh, nên ngay sau đó, cầu bắt đáy đã được tung vào, giúp VN-Index hạn chế bớt đà giảm. Tuy vậy, do sức cầu còn hạn chế, nên thanh khoản thị trường ít cải thiện.

Kết thúc phiên giao dịch sáng 2/12, với 133 mã giảm và 82 mã tăng, VN-Index giảm 2,06 điểm (-0,31%) về 664,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 77,5 triệu đơn vị, giá trị 1.513,66 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp lớn với 19,9 triệu đơn vị, giá trị gần 478 tỷ đồng.

Đáng chú ý là các thỏa thuận của 11,3 triệu cổ phiếu SSI, giá trị 226,225 tỷ đồng; 3,09 triệu cổ phiếu SBT, giá trị 75,7 tỷ đồng; 3 triệu cổ phiếu SSI, giá trị 226,225 tỷ đồng; 1 triệu cổ phiếu KDC, giá trị 34,05 tỷ đồng; 1,07 triệu cổ phiếu VRC, giá trị 18,19 tỷ đồng và 1,35 triệu cổ phiếu OGC, giá trị 1,782 tỷ đồng.

Tương tự, với 72 mã giảm và 44 mã tăng, HNX-Index giảm 0,02 điểm (-0,02%) về 81,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,54 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 163,21 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá đáng kể với 4,19 triệu đơn vị, giá trị 44,2 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 2 triệu cổ phiếu PIV, giá trị 13,6 tỷ đồng.

Áp lực bán khiến GAS quay đầu giảm điểm và rất cố gắng mới về được mốc tham chiếu 68.300 đồng/CP vào cuối phiên. Tuy nhiên, PVD vẫn duy trì được sắc xanh nhẹ và khớp lệnh 1,08 triệu đơn vị. Cũng khớp hơn 1 triệu đơn vị, song DPM lại giảm 1,2%.

Trong khi đó, các mã vốn hóa lớn như VNM, VIC, VCB, MSN, BID, BVH,…vẫn giảm điểm, song mức giảm không mạnh. Sức cầu yếu khiến thanh khoản ở các mã này khá thấp.

SSI được khối ngoại thỏa thuận mạnh, song vẫn giảm điểm nhẹ, khớp lệnh chỉ 0,4 triệu đơn vị. HPG có thanh khoản cao với 2,64 triệu đơn vị được khớp, tăng 0,8%.

Hoạt động giao dịch của thị trường vẫn chỉ tập trung tại một cổ phiếu đầu cơ như FCL, HAG, ITA, KBC, FIT, HHS, HAI… Trong đó, ngoài HAI, ITA tăng điểm , còn lại đều giảm.

FLC dẫn đầu thanh khoản thị trường với 5,82 triệu đơn vị, giảm 2,1% về 5.580 đồng/CP.

ROS có thời điểm đã rơi về mức sàn, nhưng nhờ sức cầu khá tốt nên chốt phiên chỉ còn giảm 2,5% về 118.000 đồng/CP và khớp 1,74 triệu đơn vị.

HQC vẫn giữ đo sàn với gần 29 triệu đơn vị dư bán. Sắc xanh mắt mèo cũng xuất hiện tại DHM và KSH, trong đó DHM khớp 2,1 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, KLF vẫn là tâm điểm khi có phiên tăng trần thứ 10 liên tiếp, Kết thúc phiên sáng nay, mã này khớp lệnh 4,38 triệu đơn vị và dư mua giá trần 3.900 đồng/CP gần 10 triệu đơn vị. Như vậy, sau chuỗi tăng trần kể từ ngày 21/11 đến nay, thị giá của “ROS mới” đã tăng hơn gấp đôi, từ 1.800 đồng/CP lên 3.900 đồng/CP.

Với thị giá nhỏ, việc đẩy KLF tăng lên gấp đôi, gấp 3 là có thể, nhưng những nhà đầu tư đang lao theo con sóng này cũng cần lưu ý một điều rằng, không giống như ROS, lượng cổ đông khá cô đặc khi đa số cổ phiếu ROS do ông Trịnh Văn Quyết và người liên quan sở hữu, lượng cổ đông sở hữu KLF rất lớn và phân tán. Do đó, áp lực chốt lời mã này luôn gia tăng và có thể khiến con sóng này bị chặn lại bất kỳ lúc nào. Vì vậy, nhà đầu tư đến sau cần lưu ý để giảm thiểu rủi ro.

Cũng có 10 phiên tăng trần liên tục như KLF là DST, giúp mã này tăng từ 14.500 đồng/CP lên 33.600 đồng/CP như hiện tại, tức tăng gần 132%. Tuy nhiên, thanh khoản của DST không cao.

Ngoài KLF, khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị trên HNX chỉ còn CEO (1,17 triệu) và SHN (2,19 triệu) và đều tăng điểm.

Nhóm dầu khí tiếp tục suy yếu, song HNX-Index lại thu hẹp đáng kể đà giảm khi NTP, BVS, CEO, VCG, VND đều có được mức tăng khá tốt.

Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn