Áp lực bán diễn ra mạnh ở nhiều mã lớn, cũng như chốt lời sớm ở một số mã thị trường khiến VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch sáng nay.

Trong phiên hôm qua, dòng tiền đã có sự dịch chuyển mạnh sang các mã thị trường, giúp hàng loạt mã tăng trần như AMD, HAI, DLG, QCG, KSB, HHS…

Tuy nhiên, với việc cặp đôi cổ phiếu bia (SAB - BHN) giảm mạnh, cùng đà tăng của VIC bị hãm lại, VN-Index đã bị đẩy lùi khá xa khi cố gắng chinh phục ngưỡng 945 điểm.

Theo FPTS, độ rộng thị trường trong phiên hôm qua mở rộng mạnh hơn về phía số lượng mã tăng điểm và thanh khoản duy trì ở mức cao trong các phiên gần đây cho thấy diễn biến tích cực của nhóm vốn hóa lớn với câu chuyện “thoái vốn” đã tạo được ảnh hưởng lan tỏa trên toàn thị trường.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đang được hưởng lợi lớn từ diễn biến này thể hiện 2 chỉ số VNMID và VNSML bật tăng phục hồi rất tích cực.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay 28/11, không chút do dự, VN-Index vượt qua 940 điểm khá dễ dàng chỉ sau vài phút giao dịch, khi dòng tiền đầu cơ tiếp tục chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu thị trường, hàng loạt mã tăng điểm cùng với thanh khoản dẫn đầu thị trường như HQC, FLC, HQC, HAG, HAR, HHS, AMD, ITA, DLG, KSA, SCR… Trong đó, HAI, HAR, AMD còn tăng kịch trần.

Nhóm VN30 cũng góp phần ủng hộ thị trường khi một số mã lớn như SAB, MWG, VIC, NVL… cũng đang tăng tốt.

Đóng vai trò là lực hãm của chỉ số có một số cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, GAS, VRE, CTG, BID...và một số cổ phiếu bị chốt lời như PVD, MBB..

Trên sàn HNX hôm nay đáng chú ý có cổ phiếu giao dịch ngày đầu tiên trên sàn là VPI của CTCP Đầu tư Văn Phú Invest, với khối lượng là 160 triệu đơn vị, giá tham chiếu 27.600 đồng/cổ phiếu.

Ngay khi chào sàn, cổ phiếu VPI đã tăng lên mức kịch trần 35.800 đồng với dư mua giá trần 557.000 đơn vị và tổng khớp chỉ 5.000 đơn vị do không có lực bán.

Áp lực chốt lời đến từ hầu hết các cổ phiếu vừa và nhỏ, cùng với những cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường như VNM, VRE, GAS, PLX, CTG, BID khiến VN-Index quay đầu xuống dưới tham chiếu.

Cụ thể, chốt phiên sáng, VN-Index giảm 2,55 điểm (-0,27%), xuống 936,06 điểm với 106 mã tăng và 161 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 149,24 triệu đơn vị, giá trị 4.113,27 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 16,76 triệu đơn vị, giá trị 1.356,95 tỷ đồng, trong đó có hơn 6,35 triệu cổ phiếu VNM ở mức giá sàn 172.100 đồng/cổ phiếu được sang tay.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, HQC, FLC là 2 mã thanh khoản tốt nhất sàn đã quay đầu giảm. Trong đó, HQC giảm 0,3% xuống 2.860 đồng/cổ phiếu và khớp hơn 8,5 triệu đơn vị; FLC giảm 0,6% xuống 7.070 đồng/cổ phiếu và khớp 8,43 triệu đơn vị.

Cùng với đó là hàng loạt mã tăng đầu phiên cũng bị bán mạnh và chốt phiên trong sắc đỏ như SCR, DXG, OGC, KSA, ASM, IDI, FIT, TSC...

2 cổ phiếu liên quan đến FLC là HAI và AMD lại giữ được sắc tím. Chốt phiên, HAI tăng 7% lên 8.460 đồng/cổ phiếu và khớp gần 5 triêu đơn vị; AMD tăng 7% nhưng thanh khoản thấp hơn khá nhiều, chỉ hơn 1,2 triệu đơn được sang tay.

Cũng có diễn biến trái chiều còn có cặp đôi HNG và HAG, trong khi HAG tăng nhẹ 0,3% lên 7.770 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh đứng thứ 4 sàn với 4,68 triệu cổ phiếu thì HNG lại đánh mất sắc xanh, chốt phiên giảm 0,9% xuống 9.330 đồng/cổ phiếu và khớp 2 triệu đơn vị.

Áp lực chốt lời mở một số mã khác khi tăng trần mạnh cũng gia tăng nhưng may mắn vẫn giữ được sắc xanh như DLG, HAR, HVG, CDO, PPI..

Trong đó, DLG chỉ còn tăng 2,8% khi chốt phiên lên 3.700 đồng/cổ phiếu và khớp hơn 4,9 triệu đơn vị, đứng thứ 3 trên HOSE. HAR tăng 3,9% lên 10.600 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh cũng khá tốt với 3,36 triệu đơn vị...Các mã còn lại cũng tăng nhẹ và có trên dưới 1 triệu đơn vị được sang tay.

Trái lại, nhiều mã đã nhận lực cầu tốt khi giảm nhẹ và chốt phiên sáng tăng nhẹ như DIG, ITA, HHS..

Ở nhóm VN30, sự phân hóa ngày càng cao, với số mã giảm dần áp đảo số mã tăng (19 mã giảm so với 10 mã giảm) cùng với top 10 mã vốn hóa lớn ghi nhận giảm điểm như VNM mất 0,3%, GAS giảm 0,12%, CTG giảm 1%, BID giảm 1%, MSN giảm 2%, VRE giảm 2,15% cùng với đà tăng của SAB bị chặn lại đã góp phần đẩy VN-Index rơi nhanh.

Bênh cạnh đó, không thể không kể đến một số mã gặp áp lực bán lớn như MBB và PVD. Trong đó, MBB giảm 0,4% xuống 24.300 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh lớn nhất nhóm với hơn 4 triệu đơn vị; PVD thanh khoản đứng ngay sau MBB với 2,81 triệu đơn vị được khớp, chốt phiên giảm 2,6% xuống 18.600 đồng/cổ phiếu; CTG giảm 1,1% xuống 23.150 đồng/cổ phiếu và khớp 2,28 triệu đơn vị.

Cùng với hàng loạt mã khác có thanh khoản cao cũng giảm còn có SSI, STB, SBT, HSG, FPT, CII và sắc xanh chỉ còn le lói ở HPG (khớp 2,5 triệu đơn vị), REE (khớp 2,25 triệu đơn vị), NVL (khớp 1,4 triệu đơn vi), VCB (khớp 1,2 triệu đơn vị) và VIC (khớp 1 triệu đơn vị).

Trên sàn HNX, diễn biến còn thiếu tích cực hơn, khi HNX-Index mở cửa chỉ giữ được sắc xanh trong hơn 1 giờ, sau đó cũng lao mạnh xuống dưới tham chiếu với áp lực chốt lời xuất hiện khắp các mã đang có dòng tiền lớn.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,77 điểm (-0,69%), xuống 111,25 điểm với 46 mã tăng và 83 mã giảm. Tổng khối lượng khớp đạt 40,2 triệu đơn vị, giá trị 510,73 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có hơn 500.000 đơn vị, giá trị 13,3 tỷ đồng.

10 mã thanh khoản cao nhất sàn chỉ có VIG tăng 4,2% lên 2.500 đồng/cổ phiếu và khớp hơn 1,12 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, hàng loạt mã khác như SHB, PVS, KLF, PVX, SHS, VGC đều bị bán mạnh, giảm về tham chiếu hoặc giảm điểm khi chốt phiên.

Trong đó, SHB, KLF, PVX đứng tham chiếu, khớp lần lượt 8,32 triệu đơn vị; 4,05 triệu đơn vị và 1,91 triệu đơn vị.

Những mã còn lại như PVS giảm 1,6% xuống 18.200 đồng/cổ phiếu, khớp 4,18 triệu đơn vị; VCG giảm 2,2% xuống 26.300 đồng/cổ phiếu, khớp 4,14 triệu đơn vị; SHS giảm 2,5% xuống 19.400 đồng/cổ phiếu, khớp 1,15 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, diễn biến khá giống trên sàn HNX, khi chỉ số UPCoM-Index cũng có được sắc xanh khi mở cửa, nhưng chỉ giữ được chưa đầy 1h đồng hồ đã lao về dưới tham chiếu.

Trong đó, LPB tiếp tục dẫn đầu sàn với 2,77 triệu cổ phiếu được sang tay, chốt phiên tăng nhẹ 0,7% lên 13.700 đồng/cổ phiếu.

GEX quay đầu giảm 0,9% xuống 22.700 đồng/cổ phiếu và khớp 1,56 triệu đơn vị. Ngược lại, ART lại nhận lực cầu tốt, tăng trở lại 1,8% lên 17.200 đồng/cổ phiếu và khớp gần 800.000 đơn vị.

Các mã khác cũng có vài trăm nghìn đơn vị được khớp, nhưng giảm điểm như DVN, HVN, SBS, TIS...

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 0,36 điểm (-0,66%), xuống 53,86 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 8,18 triệu đơn vị, giá trị 138,89 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,3 triệu đơn vị, giá trị 70,45 tỷ đồng.

Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn