Chứng khoán Phố Wall đồng loạt sụt giảm. Phiên cuối cùng của tháng 3, Dow Jones giảm 410,32 điểm, tương đương 1,84%, xuống 21.917,16 điểm; S&P 500 giảm 42,06 điểm, tương đương 1,6%, xuống 2.584,59 điểm; Nasdaq giảm 74,05 điểm, tương đương 0,95%, xuống 7.700,1 điểm.S&P 500 có đợt giảm giá mạnh chưa từng có, chỉ trong 16 ngày từ đỉnh lịch sử, đặt dấu chấm hết cho thị trường giá lên dài 11 năm.
Thị trường phần nào bình tĩnh trở lại vào cuối tháng 3, khi chính phủ và ngân hàng trung ương nhiều khu vực trên thế giới đồng loạt đưa ra các gói kích thích để hỗ trợ nền kinh tế. Phố Wall kết thúc quý 3 ở mức cao hơn 16% so với mức thấp nhất của quý, nhưng chốt quý I vẫn giảm khoảng 20%.
Chốt quý I, Dow Jones giảm 23,2% (quý đầu năm giảm nhiều nhất từ trước tới nay). Đây là quý giảm mạnh nhất kể từ “thứ Hai đen tối” 19/10/1987 đối với Dow Jones, kể từ khủng hoảng tài chính 2008 đối với S&P 500 trong bối cảnh cuộc khủng hoảng virus corona tại Mỹ ngày càng nghiêm trọng, khiến hoạt động kinh doanh đình trệ.
Cũng trong quý 1, S&P 500 giảm 20%; là quý I giảm mạnh nhất lịch sử của S&P 500 do người tiêu dùng được khuyên ở nhà, các doanh nghiệp tạm thời đóng cửa, nhân viên phải nghỉ việc hàng loạt. Hệ quả, các nhà kinh tế hạ dự báo tăng trưởng năm 2020, nhà đầu tư lo ngại các doanh nghiệp vỡ nợ và sa thải nhân viên có thể dẫn đến suy thoái sâu. Nasdaq giảm 14,2% trong quý 1.
Mỹ đã triển khai các biện pháp tài chính và tiền tệ chưa từng có để hỗ trợ thị trường chứng khoán tuần trước sau khi chứng khiến Phố Wall biến động mạnh, S&P 500 tăng 9% rồi giảm 12% trong hai phiên liên tiếp. Tuy nhiên, như vậy là chưa đủ để nhà đầu tư thêm tự tin.
“Sau những thiệt hại trong tháng 2, nhà đầu tư không sẵn lòng đánh cược nhiều vào bất kỳ xu hướng nào lúc này, đặc biệt là khi thị trường sắp có các báo cáo lợi nhuận quý sớm vào tuần sau”, theo Carol Schleif, phó giám đốc đầu tư tại Abbot Downing, Minneapolis, bang Minneasota.
Nhà đầu tư còn chờ số liệu xin thất nghiệp lần đầu hàng tuần vào ngày 2/4 và bảng lương phi nông nghiệp tháng 3 vào ngày 3/4, Steven DeSanctis, chiến lược gia tại Jefferies, nói.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 31/3 là 13,13 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 15,75 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên giao dịch gần nhất.
Goldman Sachs dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ trải qua đà lao dốc chưa từng thấy trong quý 2/2020, nhưng sự phục hồi sau đó sẽ là nhanh nhất trong lịch sử.
Trong phiên giao dịch ngày 31/3, chỉ số STOXX 600 liên châu Âu và chỉ số blue-chip FTSE 100 đều tăng 1,8%. Tuy nhiên, chỉ số FTSE 100 của Anh trải qua quý tệ nhất kể từ những năm 1980. Do số ca mắc Covid-19 tại châu Âu tiếp tục tăng và một số nước đang dự tính kéo dài biện pháp phong tỏa, chứng khoán châu Âu đang trên đà rơi xuống mức thấp nhất theo quý kể từ năm 1987. Chứng khoán của 3 ngành du lịch, bảo hiểm, năng lượng, có mức giảm mạnh nhất trong tháng 3, cũng đã tăng từ 2,7-4,9%.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/3, chứng khoán tại châu Á ghi nhận phiên tăng điểm, một phần do tâm lý tích cực từ việc Trung Quốc dần phục hồi các hoạt động kinh tế sau dịch Covid-19.
Các chỉ số chứng khoán ở Trung Quốc đã tăng điểm sau khi nước này ghi nhận hoạt động công nghiệp tốt hơn dự báo, bất chấp những quan ngại thị trường chứng khoán có thể rơi xuống mức thấp nhất theo quý kể từ năm 2018 do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đối với nền kinh tế.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/3, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,1% lên 2.750,3 điểm; chỉ số blue-chip CSI300 tăng 0,3%; chỉ số Thâm Quyến (Shenzhen) cũng ghi nhận mức tăng 0,5% lên 1.665,93 điểm và chỉ số Hang Seng tăng 1,9% lên mức 23.603,48 điểm.
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã bất ngờ tăng trong tháng 3. Mặc dù vậy, các nhà phân tích dự báo khó có thể đảm bảo sự phục hồi bền vững trong tương lai gần do dịch Covid-19 đang chặn cửa nhu cầu của các nước trên thế giới cũng như đe dọa đẩy kinh tế rơi vào trì trệ.
Tính chung trong tháng 3, chỉ số Shanghai giảm 4,5%, còn tinihs chung trong quý 1 giảm 9,8%; chỉ số CSI300 lần lượt là 6,4% và 10% do dịch Covid-19 lây lan nhanh và kéo dài. Các chỉ số này đều đang chứng kiến mức giảm sâu nhất theo tháng kể từ tháng 5/2019 và theo quý kể từ quý IV/2018. Hiện chỉ số Hang Seng đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018 và với mức giảm 16,3% trong quý I/2020, chỉ số chứng khoán này đang có mức giảm lớn nhất theo quý kể từ quý III/2015.
Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán ở Hàn Quốc cũng tăng điểm do các nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng về các gói cứu trợ kinh tế mà các nền kinh tế lớn đưa ra, trong đó có Trung Quốc và Mỹ, nhằm giảm bớt các tác động do dịch COVID-19 gây ra. Chốt phiên giao dịch ngày 31/3, chỉ số KOSPI đã tăng 37,52 điểm, tương đương 2,19%, lên 1.754,64 điểm.
Sau khi chứng kiến sự bán tháo trong tháng này và các nhà đầu tư đang ước tính các biện pháp cứu trợ chính thức đối với việc đóng cửa gần như hoàn toàn chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch COVID-19, các chỉ số chứng khoán châu Âu đã tăng điểm trở lại.
Trái phiếu chính phủ, thường được coi là tài sản an toàn, nền móng ổn định của thị trường tài chính, cũng vừa trải qua một quý rung lắc. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng hơn 1,2% từ đáy lịch sử trong vòng chưa đầy 1 tuần do. Mức độ biến động là cao nhất từ thời khủng hoảng tài chính.
Xu hướng chạy sang tài sản an toàn khi đại dịch vừa bắt đầu nhanh chóng làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng. Nhà đầu tư từ bỏ các trái phiếu chính phủ tốt nhất cùng tài sản rủi ro hơn để năm tiền mặt.
Fed hạ lãi suất và triển khai biện pháp tăng thanh khoản nhưng không thể ngăn đà lao dốc. Sau khi ngân hàng trung ương Mỹ hôm 23/3 thông báo mua không giới hạn trái phiếu chính phủ Mỹ, tình hình bắt đầu chuyển biến, lợi suất trái phiếu trên thế giới giảm đáng kể.
Tiền tệ. Xu hướng mua vào USD gia tăng trên thị trường ngoại hối do các công ty, ngân hàng tăng dự trữ. Kết quả, USD tăng giá mạnh nhất kể từ năm 2008, thêm 8% trong hai tuần tính đến ngày 23/3.
USD còn mạnh lên so với AUD trong khi bảng Anh (GBP) lao dốc xuống đáy nhiều thập kỷ trước khi tăng lại 7% trong tuần trước, tuần tăng tốt nhất kể từ năm 1985.
Cuộc chiến giá dầu và Covid-19 cũng ảnh hưởng đồng krone Na Uy (NOK), mất giá hơn 16% so với euro kể từ tháng 1. Rouble của Nga còn tệ hơn, mất 23% giá trị trong cùng giai đoạn.
Đồng tiền của các thị trường mới nổi, không gồm Trung Quốc, xuống thấp nhất kể từ những năm 1990. Rand Nam Phi và peso Mexico đều mất giá hơn 25% so với USD.
“Bất chấp các chính sách hỗ trợ gần đây, chúng tôi dự báo thị trường tiếp tục biến động”, theo các chiến lược gia tiền tệ tại Bank of America.

Nguồn: VITIC tổng hợp