Lợi nhuận suy giảm

Đại diện Tổng công ty cổ phần Kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS) cho biết, trong quý I/2017, PVS đạt doanh thu hợp nhất 3.280 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 25% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 210 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 30% kế hoạch năm.

Trong bối cảnh nỗi lo giá dầu trồi sụt vẫn thường trực, hầu hết doanh nghiệp trong ngành đặt kế hoạch kinh doanh năm nay ở mức thận trọng. PVS đặt kế hoạch năm 2017 với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 560 tỷ đồng, kế hoạch này giảm mạnh so với kết quả đạt được năm 2016 (doanh thu 18.719 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 858,5 tỷ đồng).

Dù chưa công bố về kết quả kinh doanh quý I/2017 nhưng theo Tổng công ty cổ phần Khoan và Kỹ thuật khoan dầu khí (PVD), năm nay sẽ là một năm khó khăn với Tổng công ty và sự sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2017 là điều khó tránh khỏi. Nguyên nhân do số lượng giàn khoan hoạt động dự kiến giảm mạnh.

Hiện tại, giá của nhiều cổ phiếu dầu khí đã rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử như PVD, PVC, PVB… Hệ số giá trên giá trị sổ sách (P/BV) trung bình của ngành đang ở mức 1,1, trong đó không ít cổ phiếu có hệ số này dưới 0,6.

Báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy, trong quý I/2017, giá thuê giàn khoan tại PVD chưa có nhiều cải thiện, dao động trong khoảng 55.000 - 70.000 USD/ngày tại khu vực Đông Nam Á. Trong kỳ, chỉ có 2 giàn khoan thuộc sở hữu của PV Drilling hoạt động, trong đó giàn PV Drilling I hoạt động tại Myanmar theo hợp đồng với Total và giàn PV Drilling VI đang khoan cho Công ty liên doanh Hoàng Long - Hoàn Vũ. Hai giàn khoan tự nâng (jack-up) khác của PVD là PV Drilling III và PV Drilling VI.

Đối với giàn khoan nước sâu PV Drilling V, PVD đang tìm kiếm hợp đồng mới cho giàn khoan này sau khi đã kết thúc chiến dịch khoan cho Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông vào tháng 10 năm ngoái.

Nhu cầu thuê các giàn khoan tự nâng (jack-up) trong năm 2017 được dự báo sẽ tăng so với năm 2016, tuy nhiên thời hạn thuê sẽ tương đối ngắn, dao động trong khoảng 2 - 3 tháng. Bắt đầu từ quý II/2017, dự kiến tất cả các giàn khoan jack-up của PVD đều có việc làm, nhưng với mức giá cho thuê giàn đang rất thấp như hiện nay, VDSC nhìn nhận, năm 2017 sẽ tiếp tục là một năm không mấy khả quan đối với tình hình kinh doanh của Tổng công ty.

Theo theo báo cáo của VDSC, kết quả kinh doanh của PVD trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào khả năng giá dầu có thể đạt trên 60 USD/thùng và duy trì ổn định trong khoảng thời gian dài để nhu cầu khai thác tăng, các dự án dầu khí hoạt động sôi động trở lại. Trường hợp giá dầu phục hồi lên 60 USD/thùng vào nửa cuối năm 2017, có thể chưa đem lại một bức tranh sáng ngay lập tức cho kết quả kinh doanh của PVD.

Công ty Chứng khoán VPBank (VPBS) nhận định, lợi nhuận trong năm 2017 của các doanh nghiệp lớn nhất trong ngành dầu khí như PVD, PVS, PVC, PGS có thể suy giảm vì khối lượng công việc nhiều khả năng chưa được cải thiện, trong khi giá đầu ra nhiều dịch vụ dầu khí có nguy cơ bị khách hàng ép giá. Cụ thể, VPBS đưa ra dự phóng PVD sẽ giảm 38,8% lợi nhuận, PVS giảm 8%, PGS giảm khoảng 41% so với năm 2016, còn PVC dự kiến lỗ 40 tỷ đồng.

ảnh 1

Cơ hội đầu tư khi giá cổ phiếu thấp kỷ lục

Nhìn chung, đa số doanh nghiệp dầu khí có cấu trúc tài chính tốt, nhiều dự án lớn và tiềm năng, nhưng doanh nghiệp đưa ra kế hoạch kinh doanh năm nay ở mức thấp, bởi giá dầu dự báo vẫn có diễn biến khó lường.

Thực tế, giá dầu biến động bất thường trong 3 năm trở lại đây khiến nhiều dự án khai thác, thăm dò dầu khí phải tạm dừng, hoặc giãn tiến độ triển khai, những doanh nghiệp trong lĩnh vực khoan và dịch vụ khoan dầu khí bị tác động khi khối lượng công việc giảm mạnh.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS) cho biết, trong bối cảnh hiện tại, các nước đang thỏa thuận cắt giảm nguồn cung dầu nhưng động thái chung vẫn là tăng cường khai thác, đặc biệt đối với các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến tại Mỹ. Điều này dẫn đến giá dầu liên tục trồi sụt, hầu như chỉ tăng mạnh khi có các biến cố chính trị liên quan như tại Syria vừa qua.

Ông Khanh nhận định, giá dầu có thể dao động quanh ngưỡng 55 USD/thùng trong ngắn hạn và trong năm nay, nhiều khả năng giá dầu sẽ lấy lại mốc 60 USD/thùng, giúp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dần khả quan hơn.

Mặt khác, GDP của Việt Nam trong quý I/2017 chỉ tăng 5,1%, một trong những nguyên nhân chính khiến GDP đạt mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm trước là việc giảm khai thác dầu thô 600.000 tấn so với cùng kỳ.

Để đạt được mức tăng trưởng kinh tế năm nay như mục tiêu đã đề ra, Chính phủ có thể phải tính toán khả năng tăng cường khai thác dầu thô trở lại trong bối cảnh nhiều ngành công nghiệp khác chưa đủ sức thúc đẩy tăng trưởng. Nếu sản lượng khai thác dầu tăng sẽ giúp một số doanh nghiệp phụ trợ trong ngành như PVD, PVS, PGS có nhiều việc làm hơn.

“Hiện tại, giá của nhiều cổ phiếu dầu khí đã rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử như PVD, PVC, PVB… Hệ số giá trên giá trị sổ sách (P/BV) trung bình của ngành đang ở mức 1,1, trong đó không ít cổ phiếu có hệ số này dưới 0,6. Với cái nhìn lạc quan về tình hình giá dầu cuối năm nay, kỳ vọng doanh nghiệp dầu khí sẽ giảm bớt áp lực so với năm ngoái và giá cổ phiếu có thể phục hồi. Một số doanh nghiệp trong ngành có những thuận lợi nhất định có thể có thu hút dòng tiền như GAS, hay Petrolimex sắp niêm yết”, ông Khanh nói.

Trước đó, Công ty Chứng khoán Maritime (MSI) đưa ra góc nhìn khá lạc quan đối với diễn biến giá dầu năm nay khi cho rằng, giá dầu có thể hồi phục mạnh, vượt qua mức 60 USD/thùng, nhờ triển vọng nguồn cung giảm và nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng. Kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng khi các thị trường mới nổi, Brazil và Nga sẽ phục hồi sau thời gian suy thoái.

Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn