VN-Index kỳ vọng mốc 800 điểm?
Năm 2016, mặc dù thị trường gặp nhiều cú sốc từ bên ngoài, như sự kiện thị trường chứng khoán Trung Quốc ngắt giao dịch (ngày 1/4), nước Anh rời khỏi EU – Brexit (ngày 24/6), kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ (ngày 9/11), song VN-Index vẫn duy trì được đà tăng khá lạc quan, từ mức 579,03 điểm (31/12/2015) lên mốc 666,54 điểm (1/12/2106) và tăng tương ứng khoảng 15%.
Theo tiến sỹ Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư, Công ty Chứng khoán Maritime, thị trường chứng khoán trải qua một năm ấn tượng, chỉ số VN-Index đã vượt mốc 640 điểm, cùng với mức thanh khoản tăng mạnh (khoảng 28% so với năm 2015).
Đặc biệt diễn biến giao dịch cho thấy, nhà đầu tư có xu hướng mua vào và nắm giữ cổ phiếu trên cả hai sàn HoSE và HNX. Những chỉ báo kỹ thuật này cho thấy khả năng, VN-Index có thể đi tiếp lên các mốc 670 điểm -680 điểm.
“Không quá lạc quan để khẳng định mốc điểm 800 của VN-Index trong năm 2017, nhưng khả năng vượt 700 điểm lên vùng 750 điểm là có. Tất nhiên cơ sở dự báo có tính khả thi không sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như môi trường kinh doanh, lãi suất, dòng tiền từ nước ngoài,” ông Khánh nói.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư Công ty Chứng khoán Maritime. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Khối ngoại thay đổi chiến lược
Bên cạnh đó, nhìn chung các chuyên gia kinh tế bắt đầu quan ngại về hiện tượng bán ròng từ phía các nhà đầu tư nước ngoài.
Thống kê từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn - SSI, từ đầu năm tới nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra khoảng 6.450 tỷ đồng trên thị trường và mua vào 2.440 tỷ đồng. Đáng lưu ý, giá trị bán ròng của cổ phiếu VIC (Tập đoàn Vingroup) là rất lớn. Sau khi trừ đi cổ phiếu này, giá trị bán ròng toàn thị trường chỉ còn 254 tỷ đồng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn Đầu tư Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn cho rằng, hiện tượng khối ngoại giảm mua là do chiến lược thay đổi, mà nguyên nhân từ khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ - FED sẽ tăng lãi suất tháng 12. Lịch sử trước đó, khi thị trường có dự báo FED nâng lãi suất (tháng 9/2015), nhà đầu tư ngay lập tức khối ngoại đã bán ròng và rút cực mạnh (tháng 12/2015).
Trên thực tế, làn sóng rút vốn tại các quỹ đầu tư đang tăng mạnh trong bối cảnh ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, với chính sách tài khóa được kỳ vọng sẽ khiến phát càng cao. Nếu cuối năm 2016, FED nâng lãi suất 0,75% và tiếp tục lên 1,75% vào năm tiếp theo sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn nhanh và điều này ảnh hưởng tới chiến lược đầu tư toàn cầu.
Ông Linh chỉ ra, ba tuần kể từ khi ông Trump thắng cử, thị trường chứng khoán Mỹ đã được rót thêm 35 tỷ USD. Bởi, giới tài chính cho rằng các doanh nghiệp Mỹ sẽ hưởng lợi lớn từ các chính sách của chính quyền mới, điều này khiến dòng vốn đổ về thị trường rất mạnh.
Điều này kéo theo các dòng vốn sẽ rút khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Cũng trong thời gian ba tuần, tổng dòng vốn chảy ra khỏi thị trường Việt Nam khoảng 72 triệu USD.
Áp lực cung hàng
Trong những diễn biến gần đây trên thị trường tiền tệ, các chuyên gia kinh tế đã đề cập đến khả năng lãi suất ngân hàng sẽ tăng trong năm 2017. Nếu điều này xảy ra, dòng tiền trên thị trường chứng khoán cũng sẽ bị tác động động không nhỏ.
Ngoài yếu tố vĩ mô, lượng cung hàng hóa trong năm tới được dự báo là rất lớn, khi mà hàng loạt các “ông lớn” thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng hay niêm yết trên thị trường chứng khoán.
“ Năm 2017, có 12 doanh nghiệp rất lớn của Việt Nam đang chuẩn bị niêm yết với tổng vốn lên tới 260 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra còn có doanh nghiệp tư nhân đình đám, như Vietjet, Masan, Novaland… cũng có kế hoạch tham gia vào thị trường với tổng vốn hóa khoảng 100 nghìn tỷ đồng. Tổng số vốn hóa của hai nhóm này đã đạt 360 nghìn tỷ đồng sẽ chiếm khoảng 2/3 vốn hóa thị trường chứng khoán. Cung ra nhiều vậy thị trường chứng khoán có khả năng hất thụ hay không,” ông Linh đặt vấn đề.
Tuy nhiên theo một số chuyên gia tài chính, thống kê từ Ngân hàng Nhà nước tính đến tháng 9/2016 , tổng dư nợ tiền gửi đạt 5,8 triệu tỷ đồng, trong khi quy mô thị trường chứng khoán ba sàn cộng lại bằng 40% GDP (quy mô này không hoàn toàn là cổ phiếu có thể giao dịch, vì Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước còn nắm giữ số lượng lớn cổ phiếu không thể bán).

Vì vậy, cách chuyên gia này lại cho rằng sức hấp thụ của thị trường và của nhà đầu tư là vẫn có mà yếu tố rủi ro thị trường phần nhiều lại phụ thuộc vào yếu tố vĩ mô (như lạm phát, lãi suất hay việc TPP không thành hiện thực).

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán SSI. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tiến sỹ khoa học Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội nhấn mạnh, thị trường chứng khoán là tấm gương phản ánh nền kinh tế. Ông kỳ vọng, các giải pháp vĩ mô của Chính phủ sẽ thúc đẩy phát triển của nền kinh tế và những biến động giá trên thị trường chứng khoán chỉ mang tính thời điểm.
Ông Long dẫn chứng, chín tháng của năm, tổng giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán UpCoM tăng 4 lần, lượng hàng hóa đạt trên 9 tỷ USD cung ra song vẫn không ảnh hưởng nhiều đến giá. Theo ông, đây không phải lượng cung mới mà nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Nên việc đưa doanh nghiệp lên sàn là đúng đắn, điều này giúp minh bạch hóa đồng thời thúc đẩy tính giải trình.

“Thị trường chứng khoán như một siêu thị, vấn đề đặt ra nguồn hàng và khách hàng cái nào cần có trước. Chúng ta đang dùng thị trường nhằm thúc đẩy văn hóa định giá, thúc đẩy giá trị gia tăng doanh nghiệp, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, do vậy không nên quá lo ngại và nhìn vào thị trường, cần kiên định với những định hướng chính sách vĩ mô đã đặt ra và triển khai quyết liệt,” ông Long nói.

Nguồn: Hạnh Nguyễn/Vietnamplus.vn