Hôm 24/6, BlackBerry công bố kết quả kinh doanh quý đầu năm 2015. Hãng điện thoại lừng danh một thời chỉ bán được 1,1 triệu máy trong 3 tháng, giảm nửa triệu máy so với quý trước đó. Bên cạnh đó, công ty còn báo lỗ 28 triệu USD, thu về 658 triệu USD.
Chiếc lược mới của Tổng giám đốc John Chen vẫn chưa đem lại kết quả thực sự tốt cho BlackBerry
Từ báo cáo mới, không rõ chiến lược chuyển hóa BlackBerry thành công ty chuyên bán phần mềm của Tổng Giám đốc John Chen có thuận lợi như dự tính hay không. Nhà phân tích Colin Gillis của hãng BGC Partners cho rằng kế hoạch của ông Chen vẫn cần thời gian để chứng minh. “Chúng ta đang ở bước đầu của giai đoạn 2. Giai đoạn 1 là bảo đảm tồn tại như một công ty. Giai đoạn 2 là cùng phát triển và hướng về mô hình phần mềm”, ông nhận xét.
Mẫu BlackBerry Passport đã tạo ra tiếng vang nhưng chưa thực sự giúp BlackBerry trở lại
Mảng cấp phép bản quyền và phần mềm là một điểm sáng trong báo cáo của BlackBerry khi tăng trưởng 150% so với quý trước, đạt doanh thu 137 triệu USD. Ông Chen tiết lộ phần lớn tăng trưởng đến từ giao dịch cấp phép với Cisco Systems và một công ty khác không tiện nêu tên. Tuy nhiên, ông không kỳ vọng toàn bộ mảng phần mềm tăng trưởng trong quý này. Một số nhà phân tích ước tính mảng phần mềm, trừ các giao dịch bản quyền, không tăng bền vững trong quý dù đã cao hơn 1 năm trước.
BlackBerry Classic (Q20) cũng không gây ra quá nhiều ấn tượng
Không lâu trước đây, ông Chen khiến mọi người đặt niềm tin rằng hai mẫu điện thoại mới, Passport và Classic, có thể khôi phục niềm hứng thú với thiết bị BlackBerry trong cả doanh nghiệp và chính phủ. Theo người đứng đầu BlackBerry, Passport có doanh số “khá ổn định”, trong khi doanh số Classic tiếp tục tăng. Ông thừa nhận Leap không được một số người dùng ưa thích, đặc biệt là khách hàng truyền thống và vẫn còn quá sớm để nói về doanh số của nó.

Trao đổi với các nhà phân tích và cổ đông tại cuộc họp thường niên, ông Chen cho rằng vấn đề với các mẫu điện thoại nằm ở khâu tiếp thị, quảng cáo tương đối yếu và công ty cần “nâng cao nhận thức” về sản phẩm. Cũng trong sự kiện đó, ông thông báo BlackBerry vẫn dự định ra thêm các mẫu máy mới vào cuối năm 2015 vì “vẫn còn cơ hội kiếm tiền trong mảng di động” bất chấp doanh số phập phù.

Nhưng ông Chen lặp lại trọng tâm chính của ông vẫn là phần mềm và đã lên kế hoạch phân bổ lại chi phí phần cứng. Trong quý I/2015, điện thoại chiếm khoảng 40% doanh số BlackBerry, dịch vụ là 38% và phần mềm là 21%. Ông ước tính 60% doanh số phần mềm của công ty, loại trừ cấp phép bản quyền, liên quan đến phần mềm mới cho phép doanh nghiệp và chính phủ quản lý, tăng cường bảo mật, không chỉ trên điện thoại BlackBerry mà còn trên cả iPhone và Android.

Ông tự tin doanh thu phần mềm sẽ tăng trong năm tới. “Tôi đã cảm nhận được hướng đi và động lực”, vị doanh nhân 60 tuổi bày tỏ.

Theo Bưu điện Việt Nam

Nguồn: Bưu điện Việt Nam