Cách đây không lâu, smartwatch từng được coi là xu hướng lớn trong lĩnh vực thiết bị điện tử tiêu dùng. Nhưng bây giờ, tương lai của chúng đang là dấu hỏi.

Doanh số đồng hồ thông minh liên tục giảm sút, thậm chí xuống mức không ai ngờ tới. Công ty nghiên cứu công nghiệp IDC ước tính thị trường này giảm hơn 51% trong quý 3 năm nay.

Ngay với Apple, vốn là tấm gương sáng nhất của ngành cũng không tránh khỏi tình thế cam ngo. Doanh số Apple Watch của hãng có mức giảm hàng năm lớn thứ hai trong ngành.

Giảm lớn nhất phải kể tới thương hiệu đồng hồ thông minh Motorola, hiện thuộc quyền sở hữu của Lenovo. Tên tuổi này gần đây thậm chí còn quyết định dừng ra mắt mẫu thiết bị đeo Android Wear mới trong năm 2016.

Các thương hiệu khác như Huawei và LG cũng gặp tình trạng tương tự. Kế hoạch ra mắt các mẫu smartwatch theo đó bị hủy bỏ.

Trong khi đó, dòng đồng hồ thông minh Tizen của Samsung cũng không khá khẩm hơn. Doanh số dòng Gear S lẹt đẹt trong quý vừa qua.

Nhung ly do khien smartwatch chet tham hinh anh 1
Thương hiệu đồng hồ thông minh Pebble vừa bị khai tử.

Thảm nhất là Pebble, họ buộc phải đóng cửa mảng sản xuất smartwatch vì không trụ được trong môi trường quá khắc nghiệt. Đáng nói nhất là Fitbit vừa bỏ khá nhiều tiền ra mua lại Pebble, thương hiệu thiết bị đeo thông dụng.

Nói chung không chỉ riêng ai, cả ngành smartwatch đang tụt dốc không phanh, không lý do và không có cách cứu vãn.

Vậy nguyên nhân thực sự ở đây là gì. Có phải người dùng vẫn chưa sẵn sàng với smartwatch?

Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng tình thế không hoàn toàn đơn giản như vậy. Tất nhiên, đa phần người dùng vẫn chưa sẵn lòng bỏ hàng trăm USD cho một chiếc smartwatch, nhưng quan trọng hơn các sản phẩm này vẫn chưa thực sự ấn tượng.

Nó không hẳn là người dùng không mong muốn sở hữu một chiếc smartwatch, mà bởi các sản phẩm trong vài năm trở lại đây chẳng hề có điểm nhấn ấn tượng nào, ngay cả với Apple Watch.

Các thiết bị chăm sóc sức khỏe, tay đeo thông minh và smartwatch ra mắt từ đầu 2015 trông không khác nhiều so với các sản phẩm trước đó và sau này, dù thiết kế có khác, thông số kỹ thuật cập nhật hơn.

Phần lớn cái gọi là “sáng tạo” trong mảng smartwatch hai năm qua chỉ tập trung vào một con sensor (cảm biến).

Những thiết bị đeo đầu tiên xuất hiện trên thị trường được trang bị phần mềm chăm sóc sức khỏe, kiểu như theo dõi người dùng ăn gì, ngủ trong bao lâu… Các mẫu smartwatch mới nhất cũng có chức năng y hệt, không hơn.

Nhung ly do khien smartwatch chet tham hinh anh 2
Sang chảnh như Apple Watch cũng ế ẩm.

Bao lâu nay, người dùng vẫn được nghe nói về cuộc sống số thông minh nào đó ngay trên cổ tay nhưng tới giờ, tất cả vẫn chỉ là lời hứa. Chúng chỉ là một vài ứng dụng ít ỏi có thể gửi các tin nhắn khích lệ kiểu như “Chúc mừng bạn đã đi bộ được 10 km hôm nay”.

Hầu hết người dùng không cho rằng đây là sự sáng tạo hay cách mạng. Họ chỉ đơn thuần nghĩ rằng smartwatch vẫn chưa đủ thông minh như kỳ vọng.

Thêm vào đó, pin của smartwatch cũng là vấn đề đau đầu. Dung lượng pin lâu nay không được cải thiện. Các nhà sản xuất đang phải đánh vật với việc duy trì smartwatch hoạt động trong khoảng vài ba ngày chỉ với một lần sạc.

Hầu hết các mẫu smartwatch ra mắt năm nay đều có pin lớn hơn nhưng không tạo nên sự khác biệt nào. Tất cả smartwatch vẫn phải sống dựa vào smartphone và chưa thể thay thế phương tiện liên lạc - giải trí này.

Ngay cả chiếc Samsung Gear S3 được quảng cáo “vứt bỏ smartphone sang một bên” cũng chưa đạt được mức độ đó. Ngay cả khi có làm được đi chăng nữa thì thật vô lý nếu ai đó để chiếc smartphone của họ ở nhà mà chỉ mang theo một chiếc đồng hồ bé tí đeo ở cổ tay.

Smartwatch từng được coi là khởi đầu cho cuộc cách mạng Internet of Things, nhưng thật khôi hài khi giờ đây trọng trách khởi đầu đó lại được giao phó cho những thiết bị thông minh như loa kết nối Google Home, Amazon Alexa…

Nhung ly do khien smartwatch chet tham hinh anh 3
Google Home và Amazon Alexa mở màn cho thời đại IoT.

Tại sao? Google Home và Amazon Alexa đang làm rất tốt công việc của mình. Nó có thể đảm nhận chức năng riêng biệt mà không cần tới smartphone và cũng chẳng cần thay thế chúng.

Mọi thứ đang diễn ra tự nhiên, Google Home và Amazon Alexa dần trở thành công cụ hữu ích, trong khi thiết bị đeo vẫn bị coi là sản phẩm chơi bời, làm cảnh.

Vậy nên, trừ khi các nhà sản xuất smartwatch quyết định đầu tư mạnh tay cho khâu R&D và ra mắt các mẫu sản phẩm thiết thực hơn, nếu không ngành công nghiệp thiết bị đeo vẫn trì trệ và tụt dốc.

Tất cả những gì mà ngành smartwatch đang cần là sự đổi mới. Họ phải làm khác đi. Đừng để người dùng thấy rằng họ mua thiết bị ra mắt năm 2017 nhưng tính năng lại chẳng khác gì so với các mẫu 2016.

Nguồn: Gia Nguyễn/zing.vn