Ông Maurizio Feraboli, một người đã về hưu, làm một danh sách mua rau quả, thực phẩm trên máy tính bảng và “sai” một con robot có gắn bánh dưới chân đi lấy hàng ở một cửa hàng gần căn hộ của ông bên ngoài Pisa, Ý. Hàng xóm của ông là bà Wanda Mascitelli thì “nhờ” robot lấy rác từ nhà bếp bỏ vào thùng rác ở ngoài đường. Một con robot khác cảnh báo bà Mascitelli về khả năng rò rỉ gas và sau đó mang đến cho bà cốc nước và lọ vitamin.
Những cảnh này là từ một đoạn video quảng bá dự án nghiên cứu châu Âu có tên Robot-Era. Dự án này gần đây đã hoàn tất một cuộc thử nghiệm thực tế lớn nhất thế giới về những con robot hỗ trợ cho người già. Khoảng 160 người già ở Ý và Thụy Điển đã thử dùng những con robot này trong suốt thời gian 4 năm của dự án. Dự án Robot-Era đã nhận được 6,5 triệu euro (7,5 triệu USD) từ Ủy ban châu Âu (EC) và 2,2 triệu euro từ các đối tác trong đó có nhà sản xuất Ý Robotech và nhà cung cấp cho hãng Apple là STMicroelectronics.
Hiện tại ông Filippo Cavallo, nhà quản lý dự án Robot-Era và các giáo sư đồng nghiệp tại Viện BioRobotics Institute ở Trường San’tAnna School of Advanced Studies nằm bên ngoài Pisa đã thành lập Công ty Co-Robotics nhằm thương mại hóa công nghệ này. “Những con robot trong đoạn video trên đã sẵn sàng” cho các cuộc thử nghiệm khác, ông Cavallo cho biết. Ông dự kiến sẽ bắt đầu bán ra những con robot này, sớm nhất là vào năm tới.
Nhằm đẩy mạnh ngành robot học của châu Âu, EC đang đầu tư hàng chục triệu euro mỗi năm vào công nghệ để giúp những người lớn tuổi. Các con robot này có thể không “gợi cảm” như robot có hình dáng con người của Toshiba, có tên là ChihiraAico, mô phỏng một người phụ nữ Nhật, hay robot “trợ lý” Asimo của Honda, nhưng chúng “có cùng cấp độ hoặc thậm chí tiên tiến hơn”, Uwe Haass, nguyên Tổng Thư ký EuRobotics, một tổ chức phi lợi nhuận ở Brussels mà làm việc với EC, cho biết.
Được nhận 4,3 triệu euro từ EC và các đối tác như Siemens và Telecom Italia, một dự án có tên Acanto đã được triển khai vào tháng 2 năm ngoái nhằm sản xuất những con robot đi bộ, khuyến khích người già tập thể dục và quan hệ xã hội nhiều hơn. Khoảng 100 người già ở Tây Ban Nha, Ý và Anh sẽ thử nghiệm các con robot trước khi cuộc thử nghiệm kết thúc vào năm 2018.
Mục tiêu là nhằm tạo ra một phiên bản robot đi bộ cho các bệnh viện và một phiên bản ít đắt tiền hơn cho những gia đình với giá thấp hơn 2.000 euro, theo Luigi Palopoli, Giáo sư kỹ thuật tại Đại học Trento, người giám sát dự án này. “Một con robot đi bộ nhưng trông không giống gì một con robot” sẽ dễ được chấp nhận vào cuộc sống hằng ngày hơn, ông cho biết.
EC đã chuyển 4 triệu euro cho Mario, nhóm đang phát triển các robot làm bạn đồng hành với những người bị mất trí nhớ. “Bạn có thể hỏi con robot cùng một câu hỏi tới 10 lần, nhưng nó sẽ chẳng bao giờ cảm thấy bực mình”, bà Kathy Murphy, Giáo sư Trường Điều dưỡng và Đỡ đẻ tại Đại học NUI Galway (Ireland), cho biết. Bà đang giúp quản lý cuộc nghiên cứu trên với các đối tác như nhà phát triển Robosoft (Pháp) và thành phố Stockport ở Anh.
Mùa hè này, Mario sẽ bắt đầu các chương trình thử nghiệm với những người già ở Ireland, Anh và Ý. Khi dự án kết thúc vào năm 2018, mục tiêu là thương mại hóa “một con robot có tính hiệu quả về chi phí mà các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ muốn mua” nhằm giúp giải khuây, xoa dịu nỗi cô đơn, sự xa cách và giảm lượng nhân viên y tế, theo bà Murphy.
“EC có các mục tiêu rất rõ ràng về việc vận dụng robot học để đảm bảo một quá trình lão hóa khỏe mạnh và năng động”, ông Andy Bleaden, nhà quản lý chương trình và cấp vốn của Stockport, cho biết. Andy cũng là một nhà đánh giá bên ngoài các dự án muốn huy động vốn từ EC. Bên cạnh mục tiêu giải quyết nhu cầu xã hội, ông cho biết, “lý do EC rót vốn vào các dự án robot cho người già là nhằm đưa các con robot ra thị trường nhanh hơn các đối thủ của chúng tôi”.
Đó cũng là mục tiêu của Vincent Dupourqué, nhà sáng lập Robosoft ở Aquitaine, Pháp, chuyên sản xuất những con robot Kompaï mà Mario đang thử nghiệm. Dupourqué là một kỹ sư y sinh làm việc trong ngành robot học từ cuối thập niên 1970. Ông có kế hoạch đưa robot Kompaï vào sản xuất thương mại hóa trong năm tới và sản xuất ra 10.000 con robot mỗi năm vào năm 2020, bán với giá 5.000 euro/robot. Trong bối cảnh thiếu hụt người chăm sóc cho người già cùng với sự hứng thú ngày càng tăng đối với robot từ các cơ sở điều dưỡng và các nhà bảo hiểm, “đây là thời điểm thích hợp để tăng tốc”, ông nói.
Trên toàn thế giới, các nhà sản xuất đã bán ra 4.416 robot trợ giúp cho người khuyết tật và người già vào năm 2014, theo một báo cáo của Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR) tại Frankfurt, Đức. IFR đánh giá việc chăm sóc cho người già là một “thị trường rất lớn trong tương lai” và dự báo lượng bán ra sẽ lên tới 32.500 con robot từ năm 2015 đến hết năm 2018.
Việc chứng minh robot có thể làm cho chất lượng cuộc sống của người già trở nên tốt hơn và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe là rất quan trọng trong việc phát triển thị trường này, theo bà Anne Gradvohl, Giám đốc Cải tiến tại Intériale, một nhà bảo hiểm có trụ sở đặt tại Paris. Công ty này đã thử nghiệm robot Kompaï ở nhà của nhiều khách hàng lớn tuổi vào năm ngoái. Những người tham gia cuộc thử nghiệm “nhận thấy robot không hề làm giảm tính người trong các mối quan hệ. Họ nhận ra robot không phải ở đó để thay thế những người chăm sóc” mà để hỗ trợ, giúp sức thêm cho họ và “mang lại sự yên tâm cho những gia đình trong trường hợp khẩn cấp”, bà Gradvohl cho biết.
Bà Gradvohl đang lên kế hoạch thử nghiệm trong nhà đợt 2 với các robot Kompaï. Lần thử nghiệm này sẽ kéo dài 6-12 tháng với một nhóm khách hàng lớn hơn mà cần sự trợ giúp mỗi ngày. “Chúng tôi không xem ngành robot học là một câu trả lời cho tất cả mọi thứ, nhưng nó có thể giúp mọi người ở nhà thời gian lâu hơn một cách an toàn với giá phải chăng”, bà nói. Bà Gradvohl tiết lộ các công ty bảo hiểm khác cũng đang đầu tư vào các công ty robot mà tập trung vào đối tượng người già.
Nguồn: Văn Quốc/Nhipcaudautu.vn/Bloomberg