Chương trình sẽ được tổ chức từ ngày 26-29/8 tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội.

Theo ông Ngô Quang Trung- Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương, năm 2016, lần đầu tiên Bộ Công Thương tổ chức phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Đây cũng là hoạt động thiết thực để ghi nhận, biểu dương và tôn vinh công lao đóng góp của các nghệ nhân đã và đang cống hiến tài năng, sức lực cho việc khôi phục, duy trì, sáng tạo và phát triển nghề thủ công mỹ nghệ; Giới thiệu những thành tựu, kết quả của hoạt động khuyến công trong công tác đồng hành, hỗ trợ khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống. Chương trình gồm 3 hoạt động chính: Tổ chức Lễ phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân - Nghệ nhân ưu tú”; Triển lãm - Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ; Lễ phong tặng “Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam”.

Cũng theo ông Ngô Quang Trung, dự kiến có 16 Nghệ nhân Nhân dân và 84 Nghệ nhân Ưu tú đến từ 21 tỉnh, thành phố trên cả nước được vinh danh. Việc xét tăng danh hiệu căn cứ theo tiêu chí quy định tại Nghị định 123/2014/NĐ-CP. Cụ thể, Nghệ nhân Ưu tú phải đáp ứng các tiêu chuẩn: Tâm huyết, tận tụy với nghề; Nắm giữ kỹ năng, bí quyết; Truyền nghề, dạy nghề cho từ 100 cá nhân trở lên, trừ trường hợp nghề đặc thù; trực tiếp thiết kế, chế tác được ít nhất 10 sản phẩm, tác phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật cao; Có tối thiểu 15 năm hoạt động trong nghề… Danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân được xét tặng cho cá nhân đã là Nghệ nhân Ưu tú và đạt thêm các tiêu chuẩn như: Có thời gian hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên; Nắm giữ kỹ năng, bí quyết, truyền nghề, dạy nghề cho từ 150 cá nhân trở lên, trừ trường hợp nghề đặc thù hoặc đã đào tạo 1 cá nhân được phong danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú…

Triển lãm - Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ có quy mô 200 gian hàng, được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2016. 100% các gian hàng trưng bày được miễn phí. Ngoài việc giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, đặc sắc của các nghệ nhân, triển lãm – hội chợ còn trưng bày, giới thiệu những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề đến với người tiêu dùng…

Về Lễ phong tặng “Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam”, ông Lưu Duy Dần – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho hay: Lễ phong tặng nhằm giới thiệu, vinh danh các gia đình, dòng họ đã gìn giữ, phát huy những nghề truyền thống của dân tộc cũng như việc gìn giữ, lưu truyền các tác phẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị văn hóa đặc sắc; Tôn vinh các làng nghề thủ công truyền thống- nơi hội tụ những tinh hoa được bồi đắp và giữ gìn trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Đây cũng là hoạt động nhằm tri ân tới các tổ nghề thủ công mỹ nghệ đã có công lao khai sáng, truyền dạy nghề…

Sau khi được phong tặng, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ trung và dài hạn cho các nghệ nhân tiếp tục phát huy tay nghề, mở rộng đào tạo cho lớp thợ trẻ.

Nguồn: Việt Nga/Báo Công Thương điện tử