Dự án cũng nhằm giảm thiểu lục bình trên sông, kênh, rạch, giúp thông thoáng đường thủy và hệ thống thủy lợi.

Dự án đã xây dựng mô hình, chuyển giao cho người dân các quy trình sử dụng lục bình làm biogas, với sự tham gia của 75 hộ thuộc các huyện Thủ Thừa, Thạnh Hoá, Tân Thạnh, Mộc Hoá, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, thị xã Kiến Tường, Đức Hoà, Đức Huệ. Mỗi hộ được hỗ trợ xây hầm ủ biogas có thể tích 4m3.

Trên cơ sở mẫu hầm ủ biogas kiểu KT1 tại Tây Ninh và mẫu EQ2 trong dự án VIE/020 của Đại học Cần Thơ, dự án đã thiết kế lại ống nạp (ống lớn để nạp lục bình Ø200 và ống nhỏ để nạp phân chuồng Ø114), cánh khuấy (vốn bằng nhựa, thép Ø6 đổi thành ống thép mạ kẽm 2 lớp và thép Ø14 bền vững hơn).

Hầm ủ biogas được chỉnh sửa để có thể sử dụng cả lục bình và phân heo. Các thiết bị kèm theo như van an toàn, bình lọc H2S đơn giản và dễ sử dụng. Với thể tích 4m3, hầm ủ biogas có khả năng sản xuất 1.200 lít khí/ngày đêm, đủ đun nấu với công suất 200 lít/giờ và thắp sáng sinh hoạt gia đình với công suất 120 lít/giờ.

Dự án đã tổ chức trên 10 lớp tập huấn về kỹ thuật xây dựng, vận hành hầm ủ biogas từ lục bình cho người dân, lắp trên 50 bộ bếp gas tại các huyện Thủ Thừa, Đức Hoà, Đức Huệ, Mộc Hoá, Kiến Tường, Tân Hưng, Vĩnh Hưng. Bộ bếp gas sử dụng khí biogas từ hầm ủ lục bình được Công ty Nam Bộ Xanh cung cấp, đã qua kiểm tra nghiêm ngặt và đạt tiêu chuẩn về an toàn. Các hộ cũng được cấp thiết bị lọc khí gas nhằm làm sạch, giảm mùi.

Kết quả kiểm tra tại các hộ dân sử dụng năng lượng biogas từ lục bình cho thấy, bếp gas hoạt động tốt. Khí gas qua hệ thống lọc không còn mùi hôi. Lượng gas đủ phục vụ nhu cầu đun nấu và thắp sáng của gia đình. Các hộ dân cho biết khí gas từ lục bình cho ngọn lửa xanh, đều, không gây bám khói.

Xét về khía cạnh KH&CN, biogas từ lục bình tạo nguồn nhiên liệu sinh học cho các hộ nông thôn trong đun nấu, sinh hoạt và kinh tế trang trại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nước thải từ hầm ủ biogas có tác dụng tốt cho quá trình cải tạo đất, cải tạo ao và nuôi cá.

Mô hình góp phần xử lý chất thải từ chăn nuôi, hạn chế phát triển lục bình, giúp giao thông đường thuỷ thông thoáng. Việc sử dụng nguyên liệu tại chỗ giúp tiết kiệm chi phí, nâng chất lượng cuộc sống cho các nông hộ vùng ven sông, rạch.

Quy trình công nghệ vận hành đơn giản, không tốn kém, chỉ cần tập huấn và chuyển giao kỹ thuật trong thời gian ngắn là người dân có thể chủ động thực hiện. Lục bình là nguồn nguyên liệu sẵn có nên người dân dễ dàng chủ động nhân rộng mô hình để sản xuất gas sinh học.

Nguồn: khoahocphattrien.vn