Theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, hiện nay, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam vẫn đang  trên đà phát triển, tuy vậy mức tăng của sản lượng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Số liệu thống kê cho thấy, lượng tiêu thụ thực phẩm hàng năm của Việt Nam ước tính chiếm khoảng 15% GDP và đã tăng 18% trong năm 2015. Trong khi đó, sản xuất chế biến thực phẩm chỉ tăng 8,5%, sản xuất đồ uống chỉ tăng 7,4% trong năm 2015.

Trong vòng 20 năm tới, với  tốc độ tăng trưởng kinh tế khả thi ở mức 5%/năm, có thể đến 6%, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, cùng việc phát triển các khu vực đô thị hóa và gia tăng thị trường bán lẻ tại Viêt Nam sẽ khiến  người dân quan tâm và có nhu cầu  ngày càng cao đối với các sản phẩm  thực phẩm chế biến có chất lượng cao.

Bên cạnh việc đầu tư để khai thác thị trường nội địa, tiềm năng khai thác và chế biến thực phẩm của Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài cũng rất đáng kể. Việt Nam luôn là một trong những nước xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều lớn nhất thế giới. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam năm 2015 đạt 30,14 tỷ USD, nhập khẩu đạt 23,05 tỷ USD. Dự kiến từ năm 2017, xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam đạt trên 31 tỷ USD.

“Với nhiều cơ hội hợp tác, tôi cho rằng, trong thời gian tới các nhà đầu tư nước ngoài không nên bỏ lỡ thời cơ khai thác cơ hội đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thực phẩm tại Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp, tổ chức, địa phương của Việt Nam có nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài cũng cần chủ động xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài đến hợp tác đầu tư kinh doanh” - Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh.

Chia sẻ về cơ hội đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - cho biết, Việt Nam đã và đang tích cực mở rộng đàm phán để trở thành thành viên của nhiều diễn đàn, hiệp ước kinh tế thương mại lớn... Với thị trường trong nước 90 triệu người, 60% trong độ tuổi từ 15-60, nguyên liệu thô phong phú, ưu đãi thuế và đầu tư, lợi thế xuất khẩu,.., chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn cho đầu tư ngành công nghiệp thực phẩm.

Thông tin thêm về các chính sách ưu đãi đầu tư trong công nghiệp chế biến thực phẩm, ông Đặng Xuân Quang - Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - nhấn mạnh: Theo quyết định 879/QĐ-TTg ngày 9/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ, công nghiệp chế biến thực phẩm là một trong những nhóm ngành công nghiệp chính được chính phủ Việt Nam lựa chọn ưu tiên phát triển từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035. Theo đó, Chính phủ Việt Nam định hướng ưu tiên nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản, thủy hải sản chủ lực, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất, chế biến, từ đó xây dựng thương hiệu và sức cạnh tranh cho sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Đánh giá về sức hấp dẫn môi trường đầu tư lĩnh vực chế biến thực phẩm tại Việt Nam, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài cho rằng, chính sách ưu đãi đầu tư mà Chính phủ Việt Nam dành cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này tại Việt Nam hiện cũng được xem là cạnh tranh nhất trong khu vực. Được biết, hiện có 49% doanh nghiệp Hàn Quốc đã có kế hoạch phát triển ngành chế biến thực phẩm tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Claudio Dordi - chuyên gia Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư châu Âu (Mutrap) - để nâng cao chất lượng nông sản thực phẩm xuất khẩu, Việt Nam cần hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư thương hiệu cũng như quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện đã có nhiều tổ chức, công ty hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường châu Âu. Việt Nam cần tận dụng tốt cơ hội này.

Nguồn: Thùy Dương - Nguyễn Phượng/Báo Công Thương điện tử