Tạo sự đồng thuận
Tuyên truyền được đánh giá là một trong các giải pháp quan trọng để xăng sinh học "chảy" vào cuộc sống. Ngày 6/6/2017 Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 255/TB-VPCP thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về việc thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Thông báo nêu: Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành địa phương có liên quan nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện chương trình truyền thông quốc gia nhằm khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học nói chung, xăng E5 RON 92, E10 nói riêng.
Ông Hoàng Minh Phương - Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở (Bộ Thông tin và Truyền thông) - cho biết, ngay sau khi có chỉ đạo trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khẩn trương xây dựng Chương trình Truyền thông quốc gia nhằm khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học (ban hành kèm theo quyết định số 1622/QĐ-BTTTT ngày 29/9/2017). Mục đích của chương trình là huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia hoạt động truyền thông về khuyến khích cộng đồng sử dụng nhiên liệu sinh học. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, từng hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội về việc sử dụng nhiên liệu sinh học, góp phần bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, giảm dần sự lệ thuộc vào xăng khoáng, cải thiện môi trường, tạo thu nhập bền vững cho khu vực nông nghiệp và thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp.
Nội dung thông tin của chương trình gồm: Tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của nhà nước về phát triển và sử dụng nhiên liệu sinh học ở nước ta; phổ biến kiến thức về nhiên liệu sinh học, công nghệ sản xuất và thị trường nhiên liệu sinh học; phát triển vùng nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học; kinh nghiệm của các nước trên trong khu vực và trên thế giới về phát triển và sử dụng nhiên liệu sinh học; lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống; ý nghĩa, tác dụng của việc sử dụng nhiên liệu sinh học…
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Ông Phương cho hay, Chương trình Truyền thông quốc gia được thực hiện trong 4 năm (2017-2020) bằng nhiều hình thức truyền thông phong phú, đa dạng, phù hợp với trình độ dân trí của từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, nhất là khu vực đô thị, thành phố lớn - nơi có tỷ lệ sử dụng nhiên liệu cao. Cụ thể, truyền thông trên các cơ quan thông tấn báo chí từ trung ương đến địa phương; xây dựng các chuyên đề, nội dung thông tin trên diễn đàn mạng xã hội có số lượng thành viên đông đảo, được nhiều người tiêu dùng theo dõi; truyền thông trên hệ thống đài phát thanh - truyền hình cấp huyện và hệ thống thông tin cơ sở; truyền thông qua các hội nghị, hội thảo chuyên đề, các cuộc tọa đàm, giao lưu trực tuyến việc sử dụng nhiên liệu sinh học, tổ chức các sự kiện nhằm công bố, khẳng định chất lượng, ưu điểm của việc sử dụng nhiên liệu sinh học.
Trong đó, giai đoạn 1 (2017-2018), Cục Thông tin cơ sở chủ trì, phối hợp với Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử và các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch và triển khai Chương trình Truyền thông quốc gia tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc; các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương; hệ thống truyền thanh - truyền hình cấp huyện và hệ thống thông tin cơ sở xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể... Giai đoạn 2 (2019-2020), tiếp tục tổ chức tuyên truyền rộng rãi về chủ đề nhiên liệu sinh học, các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhiên liệu sinh học trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời tổng kết, đánh giá hiệu quả thực hiện chương trình…
Từ kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Phước Hiền - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi - cho hay, để việc tuyên truyền hiệu quả, tỉnh Quảng Ngãi, đã vận động các cơ quan, doanh nghiệp gương mẫu đi đầu trong việc sử dụng xăng E5-Ron 92 làm gương cho mọi người noi theo, đồng thời luôn lắng nghe ý kiến phản hồi của người tiêu dùng. Doanh nghiệp sản xuất, phân phối và Sở Công Thương đối thoại trực tiếp với người tiêu dùng, đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu, mọi ý kiến của người tiêu dùng đều được xem xét thấu đáo, giải quyết kịp thời, nhất quán, tạo sự đồng thuận của người tiêu dùng.
Nguồn: Nga Nguyễn/Báo Công Thương điện tử